[GIẢI ĐÁP] Đóng thuế nhà đất ở đâu?
Cập nhập: 12/29/2023 11:20:34 AM - Công ty luật Dragon
“Em chào Luật sư, em vừa mua mảnh đất thổ cư và phải đóng thuế Nhà nước. Luật sư cho hỏi là em có thể đóng thuế nhà đất ở đâu và cách tính thuế như thế nào? Cảm ơn Luật sư.”
Ngay sau đây, Luật sư Nguyễn Minh Long từ Công ty Luật Dragon sẽ giải đáp toàn bộ thắc mắc trên cho bạn.
Đóng thuế nhà đất ở đâu?
Người nộp thuế sẽ thực hiện đăng ký, khai báo, và tính toán thuế nhà đất tại cơ quan thuế cấp huyện (như: quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố) địa phương nơi có đất. Nếu đất đai nằm tại khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,... công dân có thể thực hiện thủ tục trên tại Uỷ ban nhân dân xã.
Ví dụ: Nếu muốn đóng thuế đất phi nông nghiệp tại phường Hoàng Liệt - quận Hoàng Mai - Hà Nội, bạn cần thực hiện thủ tục tại Chi Cục Thuế Quận Hoàng Mai.
>>> Xem thêm: Thuê luật sư khởi kiện đòi nợ
Đối tượng thu thuế sử dụng đất là ai?
Căn cứ theo điều 1 Nghị đinh 74-CP năm 1993 quy định chi tiết thi hành Luật Thuế trên đất Nông nghiệp và Điều 3 Thông tư 153/2011/TT-BTC hướng dẫn về thuế sử dụng đất Phi Nông nghiệp, quy định đối tượng thu thuế sử dụng của 2 loại đất này như sau:
1. Đối tượng thu thuế đất nông nghiệp:
+ Các hộ gia đình nông dân, hộ tư nhân và cá nhân;
+ Các tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất dành cho nhu cầu công ích của xã;
+ Các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản bao gồm nông trường, lâm trường, xí nghiệp, trạm trại và các doanh nghiệp khác, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức xã hội và các đơn vị khác sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.
2. Đối tượng thu thế đất phi nông nghiệp:
Đối tượng thu thế đất phi nông nghiệp là những người có quyền sử dụng những loại đất phi nông nghiệp được liệt kê dưới đây. Trong trường hợp đất chưa có sổ đỏ, người đang sử dụng đất sẽ phải có nghĩa vụ nộp thuế:
+ Đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
+ Đất xây dựng khu công nghiệp bao gồm đất để xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu sản xuất, kinh doanh tập trung khác có cùng chế độ sử dụng đất;
+ Đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh bao gồm đất để xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho sản xuất, kinh doanh (kể cả đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghệ cao, khu kinh tế);
+ Đất để khai thác khoáng sản, đất làm mặt bằng chế biến khoáng sản, trừ trường hợp khai thác khoáng sản mà không ảnh hưởng đến lớp đất mặt hoặc mặt đất;
+ Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm bao gồm đất để khai thác nguyên liệu và đất làm mặt bằng chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;
+ Đất phi nông nghiệp khác được các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Thời hạn nộp thuế đất hàng năm
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thời hạn nộp thuế đất hàng năm sẽ được quy định chi tiết theo từng tường hợp như sau:
Thời hạn nộp thuế lần đầu: Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp của cơ quan thuế.
Thời hạn nộp thuế từ năm thứ hai trở đi: Người nộp thuế được chọn nộp tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp một lần hoặc hai lần trong năm:
- Trường hợp người nộp thuế chọn nộp thuế một lần trong năm thì thời hạn nộp thuế là ngày 31 tháng 5.
- Trường hợp người nộp thuế chọn nộp thuế hai lần trong năm thì thời hạn nộp thuế cho từng kỳ như sau: kỳ thứ nhất nộp 50% chậm nhất là ngày 31 tháng 5; kỳ thứ hai nộp đủ phần còn lại chậm nhất là ngày 31 tháng 10.
Thời hạn nộp thuế đối với hồ sơ khai điều chỉnh: Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Ngoài ra, trong trường hợp địa phương có mùa vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp không trùng với thời hạn nộp thuế quy định tại khoản này thì cơ quan thuế được phép lùi thời hạn nộp thuế không quá 60 ngày so với thời hạn quy định tại khoản này.
Cách tính thuế nhà đất hàng năm
Căn cứ theo khoản 2.1 Điều 8 Thông tư 153/2011/TT-BTC, số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với diện tích đất ở, đất sản xuất kinh doanh, đất phi nông nghiệp sẽ được tính theo công thức sau:
Số thuế phải nộp (đồng) |
= |
Số thuế phát sinh (đồng) |
- |
Số thuế được miễn, giảm (nếu có) (đồng) |
Số thuế phát sinh (đồng) |
= |
Diện tích đất tính thuế (m2) |
x |
Giá của 1m2 đất (đồng/m2) |
x |
Thuế suất (%) |
Trong đó:
1. Thuế suất đất ở được tính như sau (Theo điểm a, Khoản 1 điều 7 Thông tư 153/2011/TT-BTC):
BẬC THUẾ |
DIỆN TÍCH ĐẤT TÍNH THUẾ (m2) |
THUẾ SUẤT (%) |
1 |
Diện tích trong hạn mức |
0,03 |
2 |
Phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức |
0,07 |
3 |
Phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức |
0,15 |
2. Giá của 1m2 đất được tính toán dựa trên quy định điều 6 Thông tư 153/2011/TT-BTC:
Giá của 1 m2 đất tính thuế là giá đất theo mục đích sử dụng của thửa đất tính thuế do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định và được ổn định theo chu kỳ 5 năm, kể từ ngày 01/01/2012.
+ Trường hợp trong chu kỳ ổn định có sự thay đổi về người nộp thuế hoặc phát sinh các yếu tố làm thay đổi giá của 1 m2 đất tính thuế thì không phải xác định lại giá của 1 m2 đất cho thời gian còn lại của chu kỳ.
+ Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp hoặc từ đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sang đất ở trong chu kỳ ổn định thì giá của 1m2 đất tính thuế là giá đất theo mục đích sử dụng do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm được giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất và được ổn định trong thời gian còn lại của chu kỳ.
+ Trường hợp đất sử dụng không đúng mục đích hoặc lấn, chiếm thì giá của 1 m2 tính thuế là giá đất theo mục đích đang sử dụng do UBND cấp tỉnh quy định áp dụng tại địa phương.
3. Diện tích đất tính thuế là diện tích đất phi nông nghiệp thực tế sử dụng (Theo quy định tại điều 5 Thông tư 153/2011/TT-BTC). Đối với đất ở, cách tính diện tích tính thuế như sau:
+ Trường hợp người nộp thuế có nhiều thửa đất ở trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) thì diện tích đất tính thuế là tổng diện tích các thửa đất ở thuộc diện chịu thuế trong tỉnh.
+ Trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận thì diện tích đất tính thuế là diện tích ghi trên Giấy chứng nhận; Trường hợp diện tích đất ở ghi trên Giấy chứng nhận nhỏ hơn diện tích đất thực tế sử dụng thì diện tích đất tính thuế là diện tích thực tế sử dụng.
+ Trường hợp nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng trên một thửa đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì diện tích đất tính thuế đối với từng người nộp thuế là diện tích đất thực tế sử dụng của từng người nộp thuế đó.
Trên đây là toàn bộ giải đáp của Luật sư Nguyễn Minh Long từ Công ty Luật Dragon cho thắc mắc “Đóng thuế nhà đất ở đâu?” và cách tính thuế nhà đất hàng năm chuẩn nhất. Hy vọng rằng, với những thông tin pháp lý được chia sẻ trong bài viết, bạn sẽ thực hiện thủ tục thuế cho mảnh đất của mình một cách nhanh chóng và thuận lợi. Chúc bạn thành công!
>>> Xem thêm: Tranh chấp hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất