Công ty luật Dragon
Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Công ty luật Dragon

Tranh chấp đất đai trong gia đình: Khái niệm và cách giải quyết

Cập nhập: 12/29/2023 3:05:53 PM - Công ty luật Dragon

Vấn đề tranh chấp đất đai xảy ra phổ biến trong xã hội hiện nay, đặc biệt là giữa các thành viên có quan hệ trong gia đình. Điều này khiến mẹ con, anh chị em, họ hàng,... vướng vào kiện tụng, mất tình cảm - thậm chí xảy ra những vụ việc đầy thương tâm, gây mất ổn định trong xã hội.

Trong bài viết dưới đây, Luật Dragon sẽ giới thiệu tới bạn chi tiết những thông tin pháp lý liên quan đến tranh chấp đất đai trong gia đình, từ đó giúp những bạn trong trường hợp này có hướng xử lý phù hợp nhất..

Tranh chấp đất đai trong gia đình là gì?

Căn cứ tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Do đó, tranh chấp đất đai trong gia đình có nghĩa là vụ việc tranh chấp về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất giữa các thành viên trong gia đình.

Ví dụ: Ông A có 2 người con ruột B và C có hứa miệng với B là giao toàn bộ tài sản cho B khi qua đời. Tuy nhiên, khi ông A mất không có di chúc chính thức, B không chấp nhận phải chia tài sản với C nên xảy ra tranh chấp.

Các dạng tranh chấp đất đai trong gia đình

Có 3 dạng tranh chấp phổ biến là:

Tranh chấp về quyền sử dụng đất

Đây là dạng tranh chấp thường phát sinh trong trường hợp: Mâu thuẫn trong ranh giới sử dụng đất hoặc đòi đất giữa các thành viên trong gia đình. Cụ thể:

+ Mâu thuẫn trong ranh giới sử dụng đất: Thường xảy ra khi di sản thừa kế là 1 mảnh đất được chia ra nhiều phần cho từng thành viên thụ hưởng.

+ Đòi đất: Thường xảy ra trong trường hợp một người đòi tài sản là đất do cho rằng mảnh đất đó là của họ hoặc người thân của họ trên pháp lý.

Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất

Đây là dạng tranh chấp thường xảy ra khi xuất hiện giao dịch cho tặng có điều kiện. Ví dụ: Bố mẹ có hai người con và quyết định cho anh cả toàn bộ mảnh đất với điều kiện phải hỗ trợ người em chi phí sinh hoạt & học tập đến khi 18 tuổi. Người anh cả nhận đất nhưng sau đó không chấp hành, từ đó dẫn đến tranh chấp đòi lại đất.

Ngoài ra, tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất còn phát sinh khi một trong hai bên trong giao dịch đất đai vi phạm quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng. Ví dụ: Người anh bán đất cho em ruột mình, trong đó, người anh cam kết trong hợp đồng sẽ có nghĩa vụ chi trả mọi khoản chi phí liên quan đến thuế phát sinh từ giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau khi ký kết, người anh không thực hiện nộp thuế như cam kết, từ đó dẫn đến tranh chấp.

Tranh chấp liên quan đến mục đích sử dụng đất

Dạng tranh chấp này thường phát sinh trong khi có người thực hiện sai lệch mục đích sử dụng đất được quy định trên hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Ví dụ: Người anh cho em họ thuê đất theo hợp đồng với mục đích canh tác nông nghiệp nhưng người em này xây nhà kiên cố để ở. Trong trường hợp này, người em họ này vi phạm hợp đồng và quy định sử dụng đất tại Luật Đất đai khi sử dụng đất nông nghiệp để ở.

>>> Xem thêm: Ủy quyền khởi kiện tranh chấp đất đai

Hướng giải quyết tranh chấp đất đai trong gia đình

Nhìn chung, cách giải quyết tranh chấp đất đai trong gia đình theo pháp luật có trình tự không khác so với tranh chấp với những người ngoài. Tuy nhiên trên thực tế, với những mâu thuẫn đất đai từ những thành viên trong nhà, hoà giải trong gia đình được coi là phương án được ưu tiên cao nhất.

Phương án hoà giải trong gia đình có thể thực hiện theo hướng mời những người có uy tín trong dòng họ, đại diện khu phố/thôn/xóm và những bên liên quan đến tranh chấp để thực hiện đối thoại - từ đó thống nhất chung cách xử lý hài hoà nhất lợi ích các bên. 

Tuy nhiên, trong trường hợp hoà giải trong gia đình bất thành, việc tranh chấp có thể đưa ra giải quyết theo trình tự pháp luật theo các bước sau (Căn cứ theo Điều 21, Điều 22 Luật Hoà giải ở cơ sở 2013 và Điều 202 Luật Đất đai 2013):  

  • Bước 1: Hoà giải ở Tổ Hoà giải tại cơ sở. Nếu hoà giải không thành, cán bộ Tổ Hoà giải hoặc các bên liên quan đến tranh chấp có thể yêu cầu lên UBND cấp xã giải quyết.

  • Bước 2: Hoà giải ở UBND cấp xã. Nếu hoà giải không thành, các bên liên quan có thể khởi kiện tại Toà án Nhân dân địa phương nơi xảy ra tranh chấp đất.

  • Bước 3: Khởi kiện tại Toà Án Nhân dân có thẩm quyền.

>>> Tham khảo tư vấn từ TOP 10 văn phòng luật sư tư vấn đất đai uy tín tại Hà Nội

Trên đây là toàn bộ A-Z thông tin pháp lý liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai trong gia đình. Hy vọng thông qua bài viết của Luật Dragon, bạn sẽ có hướng xử lý phù hợp nếu không may rơi vào trường hợp tranh chấp trên để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho mình. Chúc bạn thành công !

Hỗ trợ trực tuyến

Luật sư Nguyễn Minh Long

Điện Thoại: 098.301.9109

Tổng đài tư vấn trực tuyến:1900.599.979

Địa chỉ văn phòng: Phòng 14.6, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: dragonlawfirm@gmail.com

DMCA Protect

DMCA.com Protection Status
zalo Phone