Công ty luật Dragon
Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Công ty luật Dragon

Tranh chấp đất đai là gì? Ví dụ về tranh chấp đất đai

Cập nhập: 10/19/2023 3:47:51 PM - Công ty luật Dragon

Mâu thuẫn, tranh chấp trong lĩnh vực đất đai là vấn đề “muôn thưở” và đang xảy ra càng ngày càng nhiều trong thời gian gần đây do chúng ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, tài sản của cá nhân/tổ chức. Nếu không được giải quyết triệt để, việc này có thể kéo theo nhiều tiềm ẩn mất an ninh trật tự, thậm chí là vi phạm pháp luật hình sự.

Vậy cụ thể theo pháp luật Việt Nam, tranh chấp đất đai là gì? Chúng được giải quyết, xử lý như thế nào bởi cơ quan Nhà nước? Cùng Luật Dragon tìm hiểu ngay sau đây.

1. Tranh chấp đất đai là gì?

Khái niệm tranh chấp đất đai

Khái niệm tranh chấp đất đai

Căn cứ theo khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Một số ví dụ cụ thể về trường hợp tranh chấp đất đai:

1. Tranh chấp đòi đất bị lấn chiếm:

Ông A là chủ sở hữu của mảnh đất (chưa xây dựng nhà) ở lô số 303, KĐT Sunshine Residence tại phường X, quận Y, thành phố Z. Ông A đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do Ủy ban nhân dân quận Y, thành phố Z cấp ngày 15/5/2018, số đăng ký GCN: BT123456.

Ông B, người có quyền sử dụng lô đất 304 bên cạnh mảnh đất ông A, đã tự ý lấn chiếm đất cách xây dựng hàng rào qua phần đất được cấp sổ đỏ của ông A. Ông A đã liên lạc và yêu cầu ông B phải tháo dỡ phần xây dựng đó và hoàn trả lại nguyên trạng, nhưng ông B đã từ chối hợp tác.

2. Tranh chấp quyền thừa kế: 

Năm 1998, ông Nguyễn Văn B mua một căn nhà tại số 123, đường E, phường F, thành phố G từ ông Lê Văn H. Diện tích của căn nhà là 150m2. Sau khi ông B mua nhà, ông quyết định sử dụng nó làm nơi ở và kinh doanh nhỏ.

Năm 2010, ông B qua đời và trước đó có di chúc miệng cho cho con trai cả ông, là anh Nguyễn Văn I toàn bộ căn nhà này. Tuy nhiên, do không có bản di chúc chính thức, hai người con khác của ông B, là bà Nguyễn Thị K và ông Nguyễn Văn L, cũng đòi quyền thừa kế nhà và đất.

Từ năm 2010 đến nay, gia đình ông B không thể đạt được sự đồng thuận về việc phân chia tài sản. Bà K và ông L không chấp nhận di chúc của ông B và không đồng ý để ông L trở thành chủ sở hữu duy nhất của căn nhà. Gia đình đã thử qua nhiều buổi họp gia đình và phiên hòa giải tại cơ quan chức năng, nhưng vẫn không giải quyết được mâu thuẫn.

>>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp đất đai về cấp chồng lấn

2. Các trường hợp tranh chấp đất đai thường gặp

Việc tranh chấp đất đai sẽ có 3 trường hợp thường gặp, bao gồm:

- Tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất: Tranh chấp về phân định mảnh đất/phần đất thuộc tổ chức, hoặc cá nhân nào có quyền được sử dụng. 

- Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh khi sử dụng đất: Tranh chấp về giao dịch đất đai, tranh chấp về thời hạn cho thuê đất,...

- Tranh chấp về đất: Tranh chấp phân chia tài sản là đất sau khi ly hôn, tranh chấp đất sau thừa kế,..

3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Việc xử lý, giải quyết tranh chấp đất đai theo từng trường hợp cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, cụ thể như sau:

- Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

- Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.

4. Lý do nên hiểu rõ về tranh chấp đất đai

Việc hiểu rõ về tranh chấp đất đai là vô cùng quan trọng bởi nếu thiếu điều này, nhiều người sử dụng đất có thể không biết cách bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Điều này không chỉ gây thiệt hại đến quyền lợi cá nhân mà còn đối với tổ chức và hộ gia đình sử dụng đất. Dưới đây là 3 lý do của việc hiểu rõ về tranh chấp đất đai là hết sức quan trọng:

Phải bắt đầu từ hoà giải đối với một số trường hợp

Theo Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP (khoản 2 điều 3), tranh chấp nhằm xác định ai có quyền sử dụng đất đai cần được giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất. Nếu hoà giải bất thành, các bên liên quan mới có quyền khởi kiện. Việc khởi kiện trực tiếp không qua hoà giải trong trường hợp này sẽ không được xử lý.

Một số trường hợp được phép khởi kiện trực tiếp không thông qua hoà giải:

+ Tranh chấp về quyền thừa kế di sản là nhà, đất đai.

+ Tranh chấp liên quan đến giao dịch đất đai như: chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp,...

+ Tranh chấp phân chia tài sản chung vợ chồng trong quá trình thực hiện ly hôn.

Việc tranh chấp đất đai sẽ dẫn đến tạm ngừng việc cấp sổ đỏ

Theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, khi cơ quan có thẩm quyền nhận được thông báo về tranh chấp đất đai, họ có quyền từ chối tiếp nhận hồ sơ cấp Sổ đỏ. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với cả người đề nghị cấp và người muốn ngăn chặn việc này, cụ thể:

- Nếu bạn là người muốn được cấp sổ đỏ: Quy trình này chỉ bị tạm dừng khi bên tranh chấp đất đai với bạn khởi kiện tại Tòa án hoặc UBND có thẩm quyền. Trong trường hợp không có đơn khởi kiện việc đề nghị và cấp sổ đỏ vẫn sẽ được xử lý và giải quyết theo quy định.

- Nếu bạn là bên tranh chấp, muốn chặn việc cấp sổ đỏ: Bạn cần nhanh chóng phải tiến hành khởi kiện tại Tòa án hoặc gửi đơn yêu cầu UBND có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai sau khi hoà giải bất thành tại UBND cấp xã. Điều này giúp bạn bảo vệ được quyền lợi chính đáng trong trong tranh chấp.

Lựa chọn hình thức giải quyết

Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013, sau khi hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn không thành công, người có tranh chấp có thể lựa chọn giải quyết tại Tòa án hoặc UBND cấp có thẩm quyền:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

Trên đây là toàn bộ giải đáp của Luật Dragon cho thắc mắc “Tranh chấp đất đai là gì?” và những thông tin liên quan đến trình tự, các biện pháp kiểm soát va xử lý vấn đề này của cơ quan Nhà nước. Hy vọng rằng, với những điều mà chúng tôi chia sẻ, bạn đã có thêm những kiến thức hữu ích trong việc tìm hiểu về luật Đất đai của mình.

Hỗ trợ trực tuyến

Luật sư Nguyễn Minh Long

Điện Thoại: 098.301.9109

Tổng đài tư vấn trực tuyến:1900.599.979

Địa chỉ văn phòng:
Phòng 8 tầng 09 toà nhà VINACONEX DIAMOND TOWER
Số 459C Bạch Mai, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Email: dragonlawfirm@gmail.com

DMCA Protect

DMCA.com Protection Status
zalo Phone