Ký hiệu TSN là đất gì? 3 đặc điểm của đất TSN
Cập nhập: 12/11/2023 2:18:27 PM - Công ty luật Dragon
Em chào Luật sư, em dự tính khởi nghiệp nuôi trông thuỷ sản tại quê và đang tìm đất để thực hiện sản xuất. Nhiều người bảo em là nên mua đất TSN là tiện nhất. Vậy Luật sư cho em hỏi, đất TSN là đất gì? Hồ sơ thủ tục chuyển nhượng đất này là như thế nào? Cảm ơn Luật sư!” - Minh (Hậu Giang).
LS Nguyễn Minh Long: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho Ban biên tập Luật Dragon. Trong bài viết này, tôi sẽ giải đáp tới bạn chi tiết những thông tin về TSN là đất gì và những thông tin pháp lý liên quan đến loại đất này. Cùng bắt đầu nhé!
1. TSN là đất gì?
Theo Phụ lục 1 Thông tư 55/2013/TT-BTNMT, ký hiệu TSN dùng để chỉ đất nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt trên bản đồ địa chính, loại đất này thuộc nhóm đất nông nghiệp.
Căn cứ theo điều 6 Luật Thuỷ sản 2003, đất để nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt là loại đất có mặt nước nội địa, bao gồm ao, hồ, đầm nước ngọt, sông, ngòi, kênh, rạch; đất bãi bồi ven sông; đất sử dụng cho kinh tế trang trại; đất có mặt nước được giao, cho thuê để nuôi trồng thuỷ sản.
2. Đặc điểm của đất TSN
Đất TSN có 3 đặc điểm sau:
Hạn mức giao đất TSN
Theo Khoản 1, Điều 129 Luật đất đai 2013, hạn mức Nhà nước giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sẽ khác nhau theo từng vùng miền. Cụ thể như sau:
Điều 129. Hạn mức giao đất nông nghiệp
1. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
a) Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
b) Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
Thời hạn cho thuê, giao đất TSN
Thời hạn cho thuê hoặc giao đất TSN là 50 năm kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định cho thuê đất hoặc giao đất. Sau thời hạn trên, nếu hộ gia đình/cá nhân trực tiếp canh tác, sản xuất nông nghiệp vẫn có nhu cầu thì sẽ được Nhà nước xem xét cho tiếp tục thuê, sử dụng đất trong 50 năm tiếp theo. Cụ thể, quy định trên được đề cập chi tiết tại Khoản 1, 2 Điều 126 Luật đất đai 2013:
Điều 126. Đất sử dụng có thời hạn
1. Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 129 của Luật này là 50 năm. Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản này.
2. Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 50 năm. Khi hết thời hạn thuê đất, hộ gia đình, cá nhân nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê đất.
Trường hợp được giao, cho thuê đất TSN
Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có mục đích sử dụng là nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt và đồng thời, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của huyện địa phương nơi có đất phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì mới có thể được giao/cho thuê đất TSN. Điều này được cụ thể hoá tại khoản 1, 2 Điều 52 Luật Đất đai 2013, cụ thể như sau:
1. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
3. Đất nuôi trồng thuỷ sản (TSN) có chuyển đổi mục đích sử dụng không?
Câu trả lời là Có thể. Đất nuôi trồng thuỷ sản thuộc nhóm đất nông nghiệp, do đó, bạn hoàn toàn có thể đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét việc chuyển đổi mục đích sử dụng. Cụ thể, căn cứ tại Điểm d Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013, các trường hợp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất như sau:
"Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
…
d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;"
4. Điều kiện, thủ tục chuyển nhượng đất nuôi trồng thuỷ sản
Điều kiện chuyển nhượng
Để có thể chuyển nhượng được đất TSN, căn cứ Điều 188 Luật Đất đai 2013, đất của bạn cần phải đạt được những điều kiện như sau:
Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Hồ sơ, thủ tục chuyển nhượng
Để chuyển nhượng đất nuôi trồng thủy sản, bạn cần chuẩn bị hồ sơ và thực hiện những thủ tục sau:
Bước 1: Tổ chức/cá nhân có nhu cầu chuyển nhượng đất cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, bao gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ tùy thân, hợp đồng tặng cho/chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bản khai lệ phí trước bạ, giấy chứng nhận kết hôn/chứng nhận độc thân.
Bước 2: Hồ sơ đề nghị chuyển nhượng đất đai sẽ được bên chuyển nhượng nộp tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan này sẽ thực hiện được việc kiểm tra và xem xét liệu đất đai có đủ điều kiện chuyển nhượng không? Nếu có, cơ quan này sẽ gửi thông tin vị trí nhà đất tới cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính. Phía cơ quan thuế sẽ thông báo các khoản phí cần đóng theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Người chuyển nhượng nghĩa vụ đóng các khoản phí như: nộp thuế trước bạ nhà đất và thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về bất động sản.
Trên đây là A-Z thông tin về “TSN là đất gì?” và toàn bộ những quy định pháp lý liên quan đến đất nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt. Hy vọng rằng, với những kiến thức được chúng tôi chia sẻ trong bài viết, bạn sẽ có lựa chọn mua đất phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh thuỷ sản của mình.