Công ty luật Dragon
Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Công ty luật Dragon

Tổng hợp 7 trường hợp không được gia hạn sử dụng đất

Cập nhập: 12/11/2023 2:36:08 PM - Công ty luật Dragon

Quyền sử dụng đất là một trong những tài sản quan trọng của người dân, hộ gia đình và doanh nghiệp. Tuy nhiên, quyền sử dụng đất không phải loại nào cũng là vĩnh viễn, mà một số loại đất sẽ có thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật.

Vậy, khi nào thì quyền sử dụng đất hết hạn? Các trường hợp nào không được gia hạn sử dụng đất? Thủ tục hồ sơ xin gia hạn quyền sử dụng đất như thế nào? Trong bài viết này, Công ty Luật Dragon sẽ giải đáp A-Z những thắc mắc trên dành cho bạn.

1. Quy định về thời hạn sử dụng và điều kiện được phép gia hạn sử dụng đất

Quy định về thời hạn sử dụng đất

Theo Luật Đất đai 2013, quyền sử dụng đất được phân loại theo hai hình thức: quyền sử dụng đất ổn định lâu dài và quyền sử dụng đất có thời hạn. Cụ thể như sau:

Quyền sử dụng đất lâu dài

Quyền sử dụng đất ổn định lâu dài là quyền sử dụng đất không xác định thời hạn, được áp dụng trong các trường hợp sua (căn cứ theo Điều 125 Luật đất đai 2013):

Điều 125. Đất sử dụng ổn định lâu dài

Người sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài trong các trường hợp sau đây:

1. Đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng;

2. Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng quy định tại khoản 3 Điều 131 của Luật này;

3. Đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên;

4. Đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ổn định mà không phải là đất được Nhà nước giao có thời hạn, cho thuê;

5. Đất xây dựng trụ sở cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 147 của Luật này; đất xây dựng công trình sự nghiệp của tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính quy định tại khoản 2 Điều 147 của Luật này;

6. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

7. Đất cơ sở tôn giáo quy định tại Điều 159 của Luật này;

8. Đất tín ngưỡng;

9. Đất giao thông, thủy lợi, đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đất xây dựng các công trình công cộng khác không có mục đích kinh doanh;

10. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa;

11. Đất tổ chức kinh tế sử dụng quy định tại khoản 3 Điều 127 và khoản 2 Điều 128 của Luật này.

Quyền sử dụng đất có thời hạn

Quyền sử dụng đất có thời hạn là loại đất sau một khoảng thời gian xác định, người giao đất phải hoàn trả lại cho Nhà nước, được áp dụng trong các trường hợp sau (căn cứ theo điều 126 Luật đất đai 2013):

Điều 126. Đất sử dụng có thời hạn

1. Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 129 của Luật này là 50 năm. Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản này.

2. Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 50 năm. Khi hết thời hạn thuê đất, hộ gia đình, cá nhân nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê đất.

3. Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm.

Đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm.

Đối với dự án kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp với cho thuê hoặc để cho thuê mua thì thời hạn giao đất cho chủ đầu tư được xác định theo thời hạn của dự án; người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài.

Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản này.

4. Thời hạn cho thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao không quá 99 năm. Khi hết thời hạn, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao nếu có nhu cầu sử dụng đất thì được Nhà nước xem xét gia hạn hoặc cho thuê đất khác, mỗi lần gia hạn không quá thời hạn quy định tại khoản này.

5. Thời hạn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn là không quá 05 năm.

6. Đất xây dựng công trình sự nghiệp của tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính quy định tại khoản 2 Điều 147 của Luật này và các công trình công cộng có mục đích kinh doanh là không quá 70 năm.

Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản này.

7. Đối với thửa đất sử dụng cho nhiều mục đích thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của loại đất sử dụng vào mục đích chính.

8. Thời hạn giao đất, cho thuê đất quy định tại Điều này được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều kiện để được phép gia hạn thời hiệu sử dụng đối với đất có thời hạn

Nhìn chung, điều kiện để có thể bạn có thể được gia hạn quyền sử dụng/thuê đất là phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Đã sử dụng đất hết thời hạn hoặc sắp hết thời hạn theo quy định của pháp luật.

- Đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với đất và tài sản gắn liền với đất.

- Đã thực hiện đúng mục đích sử dụng đất và tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng đất.

- Đã có đề nghị xin gia hạn sử dụng đất và có hồ sơ hợp lệ theo quy định của pháp luật.

- Mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch của địa phương tại thời điểm xin gia hạn.

2. Các trường hợp không được gia hạn sử dụng đất

Theo Luật Đất đai 2013, nếu rơi các 7 trường hợp sau đây, cá nhân/hộ gia đình rất có thể sẽ không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng đất:

 

- Sử dụng đất không đúng mục đích: Cá nhân hoặc hộ gia đình vi phạm quy định về  mục đích sử dụng đất và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này.

- Giao đất không đúng đối tượng hoặc thẩm quyền: Đất được giao hoặc cho thuê không theo đúng đối tượng hoặc thẩm quyền quy định.

- Cố ý hủy hoại đất: Cá nhân hoặc hộ gia đình có hành động cố ý hủy hoại đất đã được giao quản lý.

- Lấn chiếm đất: Thường xuyên có hành vi lấn chiếm đất không thuộc diện tích được giao.

- Chuyển nhượng, tặng đất không tuân thủ quy định: Đất chuyển nhượng hoặc tặng không tuân thủ theo quy định của Luật đất đai.

- Không nộp tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất: Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ nộp đầy đủ tiền thuê, tiền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

- Không sử dụng đất trong khoảng thời gian quy định: Đất trồng cây hàng năm không canh tác trong 12 tháng, đất trồng cây lâu năm không canh tác trong 18 tháng, đất trồng rừng không sử dụng trong 24 tháng, đất được Nhà nước cho thuê hoặc bàn giao cho dự án nhưng không triển khai trong 12 tháng, dự án đầu tư có tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng.

>>> Xem thêm: Tranh chấp hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất

 

3. Thủ tục hồ sơ xin gia hạn quyền sử dụng đất

Trường hợp phải làm thủ tục gia hạn sử dụng đất

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 74 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, các đối tượng sau đây sẽ cần phải làm thủ tục khi gia hạn sử dụng đất:

- Người Việt Nam định cư hoặc tổ chức có trụ sở làm việc ở nước ngoài.

- Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài.

- Cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất ngoài các khu kinh tế , khu công nghệ cao, và các khu vực không được quy định tại Khoản 2&3 - Điều 74 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Quy trình làm thủ tục gia hạn sử dụng đất

Để gia hạn thời gian sử dụng đất, bạn cần thực hiện quy trình thủ tục gồm các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ:

  • Điền đơn đăng ký theo Mẫu số 09/ĐK, cung cấp thông tin về biến động đất đai và tài sản gắn liền với đất.

  • Đính kèm bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp trước đó.

  • Cung cấp bản sao quyết định đầu tư bổ sung hoặc các giấy phép liên quan (nếu có).

  • Cung cấp các chứng từ chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ thuế, tài chính.

Bước 2: Nộp hồ sơ:

Cá nhân và tổ chức nộp hồ sơ tại cơ quan Tài nguyên Môi trường có thẩm quyền tại địa phương nơi có đất để được xem xét gia hạn.

Bước 3: Thẩm định và cấp Lại giấy chứng nhận:

  • Cơ quan Tài nguyên và môi trường thẩm định hồ sơ, kiểm tra các giấy tờ. Đồng thời, cơ quan này còn có thể kiểm tra quy hoạch đất đai khu vực có đất để kiểm tra xem đất đai có thuộc diện thu hồi, không được gia hạn hay không?

  • Trong trường hợp đủ điều kiện, cơ quan này gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng/thuê đất.

  • Khi đất được xét duyệt gia hạn thời hạn sử dụng, UBND cùng cấp ra quyết định cấp lại giấy chứng nhận gia hạn quyền sử dụng đất.

Trên đây là A-Z những thông tin bạn cần biết về các trường hợp nào không được gia hạn sử dụng đất và những thông tin pháp lý liên quan đến việc gia hạn đất đai. Hy vọng rằng, với những kiến thức trong bài viết, bạn sẽ có thể thuận lợi trong việc gia hạn bất động sản của mình.

Chúc bạn thành công !

Hỗ trợ trực tuyến

Luật sư Nguyễn Minh Long

Điện Thoại: 098.301.9109

Tổng đài tư vấn trực tuyến:1900.599.979

Địa chỉ văn phòng: Phòng 14.6, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: dragonlawfirm@gmail.com

DMCA Protect

DMCA.com Protection Status
zalo Phone