Công ty luật Dragon
Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Công ty luật Dragon

Rửa tiền là gì? Các hình thức rửa tiền phổ biến

Cập nhập: 2/16/2024 4:06:10 PM - Công ty luật Dragon

Hành vi phạm tội rửa tiền được dư luận nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây - xuất hiện đặc biệt nhiều trong các vụ án trốn thuế, tham nhũng,... Vậy rửa tiền là gì, các thủ đoạn “làm sạch tiền bẩn” hiện nay? Khung pháp lý cho tội phạm rửa tiền ra sao? Cùng Luật Dragon tìm hiểu ngay sau đây!

Rửa tiền là gì?

Hành vi rửa tiền

Hành vi rửa tiền

Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:

  • Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự;

  • Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;

  • Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

>>> Xem thêm: Đóng băng tài sản là gì? Nguyên nhân tài sản bị đóng băng

Yếu tố cấu thành Tội rửa tiền

Để xác định một chủ thể phạm tội rửa tiền, người/tổ chức phạm tội cần hội đủ 4 yếu tố như sau:

  • Chủ thể: Cá nhân và pháp nhân thương mại đều có thể là chủ thể của tội rửa tiền.

  • Khách thể: Tội rửa tiền liên quan trực tiếp đến tiền và tài sản do phạm tội mà có, xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước về tài sản/kinh tế. 

  • Chủ quan: Người phạm tội cố ý che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền và tài sản bằng cách sử dụng các phương thức như giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc các hoạt động kinh doanh để hợp pháp hoá số tiền và tài sản đó.

  • Khách quan: Hành vi rửa tiền gắn liền hành vi phạm tội khác, chẳng hạn như tiền đến từ tham nhũng, buôn bán chất cấm, trốn thuế,...

Các hình thức rửa tiền phổ biến

Hiện nay, các tội phạm rửa tiền có rất nhiều hình thức che giấu tiền bẩn một cách tinh vi nhằm né tránh sự quản lý tài chính/kinh tế từ cơ quan chức năng. Dưới đây là 11 thủ đoạn rửa tiền phổ biến nhất bị phát hiện trong thời gian gần đây:

  • “Tuồn” tiền bẩn vào hệ thống tài chính hợp pháp: Người/tổ chức phạm tội thường thành lập những “công ty ma” để hợp pháp hoá dòng tiền dưới danh nghĩa tiền đầu tư, lợi nhuận,... và nộp tiền vào hệ thống tài chính hợp pháp (ngân hàng). Ngoài ra, một số đối tượng còn có các thủ đoạn như nộp tiền mặt vào ngân hàng và rút ở nhiều nơi khác nhau nhằm “làm mờ” nguồn gốc của tài sản.

  • Làm “sạch” qua hàng loạt giao dịch khác nhau: Đối tượng phạm tội dùng tiền bẩn để thực hiện hàng loạt các giao dịch mua đi bán lại, đầu tư, rút vốn… dưới các danh nghĩa/pháp nhân khác nhau để khiến cơ quan quản lý Nhà nước khó khăn trong việc truy vết nguồn tiền.

  • Rút tiền mặt: Nhiều đối tượng rửa tiền sẽ thực hiện hành vi rút tiền mặt để cố ý làm đứt gãy thông tin hành trình của dòng tiền trong trường hợp cơ quan Nhà nước thực hiện công tác truy quét, điều tra.

  • Sử dụng tài khoản ngân hàng giả mạo: Tội phạm rửa tiền sẽ mua một số lượng lớn tài khoản ngân hàng với danh tính của người khác để thực hiện hàng loạt các hành vi chuyển tiền qua lại và sau đó rút tiền mặt gây khó khăn trong việc truy vết các dòng tiền.

  • Đầu tư vào tài sản: Đầu tư tiền lậu vào bất động sản, vàng, đá quý, hoặc các động sản để “phù phép” thành tài sản hợp pháp. 

  • Tạo các giao dịch khống: Sử dụng công ty “ma” hoặc công ty thật nhưng thực hiện các giao dịch khống (mua bán hoá đơn, đội giá so với thực tế) để biến tiền lậu thành tiền hợp pháp.

  • Tạo các dự án gây quỹ, thiện nguyện: Tổ chức hoạt động gây quỹ, làm từ thiện hoặc đi du lịch cũng là một phương pháp phổ biến của tội phạm rửa tiền để giảm bớt sự nghi ngờ và điều tra từ các cơ quan chức năng. Những đối tượng này đưa tiền lậu vào các dự án gây quỹ hoặc sự kiện từ thiện để "rửa" và sau đó tìm cách rút ra bằng các thủ đoạn khác (như kê khống giá trị, rút ruột công trình, mua bán hoá đơn,...)

  • Mua bán chứng khoán: Các đối tượng sẽ nhờ hoặc thuê một người thứ 3 để đại diện mua các sản phẩm chứng khoán bằng tiền bẩn, sau đó tìm cách rút vốn để hợp pháp hoá nguồn tiền phạm tội.

  • Chuyển tiền ra nước ngoài: Tội phạm sẽ thông qua một công ty ma chuyển tiền ra nước ngoài theo hình thức đầu tư hoặc giao dịch mua bán khống. Sau đó, những đối tượng này sẽ áp dụng thủ đoạn tương tự để chuyển ngược tiền về nước từng phần nhỏ để hợp pháp hoá dòng tiền. 

  • Chuyển nhượng bất động sản: Đối tượng sẽ nhờ người thân dùng tiền bẩn thay mặt mình đứng tên mua đất, sau đó tặng lại cho mình hoặc bán lại cho người khác để che giấu dòng tiền.

  • Tiền ảo, tài sản ảo: Hiện nay, các tài sản ảo chưa được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan Nhà nước. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều đối tượng chuyển tiền bẩn lên các sàn tiền ảo thực hiện hàng loạt các giao dịch khác nhau để “che mắt” cơ quan chức năng về nguồn gốc của tiền.

Rửa tiền bị phạt như thế nào?

Hình phạt của tội rửa tiền

Hình phạt của tội rửa tiền

Tội rửa tiền có thể phạt tù tối đa đến 15 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ đến 05 năm. Cụ thể, căn cứ tại điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 122 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, người phạm tội rửa tiền sẽ tùy theo mức độ sẽ bị phạt như sau:

Điều 324. Tội rửa tiền

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trên đây là toàn bộ giải đáp của Luật Dragon cho thắc mắc rửa tiền là gì, các hình thức “làm sạch” tiền bẩn phổ biến và khung hình phạt hiện nay cho tội danh này. Hy vọng rằng, qua những chia sẻ trong bài viết, bạn sẽ được cập nhật các kiến thức pháp luật liên quan đến kinh tế để chấp hành tốt hơn các quy định trong hoạt động kinh doanh của mình.

>>> Tham khảo thêm tư vấn từ TOP 10 Luật sư hình sự giỏi, nổi tiếng hiện nay tại Việt Nam

Hỗ trợ trực tuyến

Luật sư Nguyễn Minh Long

Điện Thoại: 098.301.9109

Tổng đài tư vấn trực tuyến:1900.599.979

Địa chỉ văn phòng: Phòng 14.6, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: dragonlawfirm@gmail.com

DMCA Protect

DMCA.com Protection Status
zalo Phone