Công ty luật Dragon
Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Công ty luật Dragon

Án treo là gì? Hưởng án treo có được đi làm không?

Cập nhập: 12/11/2023 2:51:21 PM - Công ty luật Dragon

“Em chào Luật sư, người thân của em có gây Tai nạn giao thông nhưng hậu quả gây ra không nặng và được mọi người nói rằng dưới 3 năm thì hưởng án treo, không đi tù đâu mà sợ. Vậy luật sư cho em hỏi cụ thể Án treo là gì? Án treo có được ở nhà và đi làm bình thường được không ạ? Em cảm ơn Luật sư nhiều!” - Sơn (Hà Nam)

LS Nguyễn Minh Long: Chào bạn Sơn, trước hết LS xin phép chia buồn với gia đình về biến cố mà người thân bạn gặp phải. Trong bài viết này, tôi sẽ giúp bạn giải đáp kỹ lưỡng cho thắc mắc về “Án treo là gì?” và những quy định pháp lý liên quan cho người được hưởng án treo ngay sau đây.

1. Án treo là gì?

Án treo là biện pháp miễn phạt tù có điều kiện, được áp dụng cho trường hợp bị can bị phạt tù dưới 3 năm. Đồng thời, Toà còn dựa vào nhân thân, không có án tích, mức độ nghiêm trọng của vụ án và các tình tiết giảm nhẹ khác để xét một người có được hưởng án treo hay không. Điều này được đề cập cụ thể tại điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán về áp dụng điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo:

"Điều 1. Án treo

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù."

Như vậy, án treo không được coi là hình phạt, mà đơn thuần chỉ là một biện pháp giúp người phạm tội bị kết án dưới 3 năm được miễn phạt tù; giúp người được hưởng án treo được sống, lao động và cải tạo bên ngoài cộng đồng.

>>> Xem thêm: Luật sư tham gia tố tụng vụ án hình sự khi nào?

2. Điều kiện để hưởng án treo theo luật pháp Việt Nam

Không phải ai bị kết án tù dưới 3 năm cũng đều được hưởng án treo. Việc người phạm tội được hưởng biện pháp miễn phạt tù có điều kiện này hay không sẽ còn cần Toà án xem xét toàn diện ở nhân thân, tính chất và các tình tiết giảm nhẹ/tăng nặng của vụ án. 

Cụ thể, theo Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP những điều kiện để người phạm tội được hưởng án treo theo luật pháp Việt Nam như sau:

"Điều 2. Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo

Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

2. Có nhân thân tốt.

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

3. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội."

3. Đang hưởng Án treo có được đi khỏi địa phương không?

Câu trả lời là , nếu người hưởng án treo có lý do chính đáng và có sự cho phép của Cơ quan chức năng có thẩm quyền nhưng không được phép xuất cảnh. Thời gian vắng mặt tại địa phương cư trú không được vượt quá 60 ngày/lần rời khỏi địa phương. Trong trường hợp bị bệnh và phải nhập viện thì phải có chỉ định của bác sĩ và xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó. 

Cụ thể, những quy định này được đề cập rõ ràng tại điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019:

Điều 92. Giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo

1. Người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định tại khoản 2 Điều này, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.

2. Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.

3. Việc giải quyết trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc thực hiện theo quy định tại Điều 68 của Luật này.

4. Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.

>>> Tham khảo thêm tư vấn từ luật sư hình sự giỏi tại Hà Nội

4. Án treo có được đi làm không?

Câu trả lời là hoàn toàn Có thể. Căn cứ theo quy định tại điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019 đã được đề cập ở trên, người hưởng án treo có quyền đi làm tại địa phương khác nếu được UBND cấp xã/đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục xét thấy chính đáng và đồng ý việc trên. 

Tuy nhiên, việc xuất khẩu lao động trong trường hợp này là không được phép dưới bất cứ lý do nào bởi sẽ vi phạm khoản 4 điều 92 Luật này (cấm xuất cảnh trong thời gian người hưởng án treo bị thử thách).

Trên đây là toàn bộ giải đáp của Luật sư Nguyễn Minh Long cho thắc mắc “Án treo là gì” và những thông tin pháp lý dành cho những người được hưởng án treo cần biết để thực hiện đúng pháp luật. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc về án treo và cần tư vấn trực tiếp bởi LS Long, hãy liên hệ với Công ty Luật Dragon theo một trong các kênh sau:

Hotline: 1900.599.979(Miễn phí) - 098.301.9109

Email: dragonlawfirm@gmail.com

Facebook: https://www.facebook.com/vanphongluatsudragon

Văn phòng Luật sư tại Hà Nội: Phòng 14.6, Tầng 14, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Văn phòng Luật sư tại Long Biên: số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Long Biên, Hà Nội.

Văn Phòng Luật Sư tại Hải Phòng: Số 102, lô 14 đường Lê Hồng Phong, quận Hải An, TP Hải Phòng.

Hỗ trợ trực tuyến

Luật sư Nguyễn Minh Long

Điện Thoại: 098.301.9109

Tổng đài tư vấn trực tuyến:1900.599.979

Địa chỉ văn phòng: Phòng 14.6, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: dragonlawfirm@gmail.com

DMCA Protect

DMCA.com Protection Status
zalo Phone