Công ty luật Dragon
Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Công ty luật Dragon

Phân biệt vụ án dân sự và hình sự [CHI TIẾT]

Cập nhập: 10/30/2023 9:53:45 AM - Công ty luật Dragon

Vụ án là một trường hợp xảy ra tranh chấp hoặc vi phạm pháp luật giữa các bên liên quan, cần được giải quyết bởi cơ quan có thẩm quyền. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của vụ án, có thể phân biệt thành hai loại chính là vụ án dân sự và hình sự.

Vậy, vụ án dân sự và hình sự khác nhau như thế nào? Bài viết này Công ty Luật Dragon sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các điểm khác biệt cơ bản giữa hai loại vụ án này.

Phân biệt vụ án dân sự và hình sự

Dưới đây là 19 điểm khác biệt cơ bản giữa vụ án dân sự và hình sự mà bạn có thể phân biệt:

Về luật áp dụng

  • Vụ án hình sự: Luật áp dụng cho vụ án hình sự mới nhất hiện nay là Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

  • Vụ án dân sự: Trong trường hợp vụ án dân sự, các quy định pháp lý mới nhất được áp dụng là Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật tố tụng dân sự 2015. 

Về quan hệ pháp luật bị vi phạm

  • Vụ án hình sự: Các quan hệ pháp luật bị vi phạm trong vụ án hình sự liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, quyền bình đẳng giữa các dân tộc, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, trật tự luật pháp được pháp luật hình sự bảo vệ.

  • Vụ án dân sự: Trong vụ án dân sự, quan hệ pháp luật bị vi phạm sự bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm được pháp luật dân sự bảo vệ.

Về cơ quan tiến hành tố tụng

  • Vụ án hình sự: Cơ quan tiến hành tố tụng cho vụ án hình sự bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, và Tòa án.

  • Vụ án dân sự: Trong vụ án dân sự, cơ quan tiến hành tố tụng là Tòa án và Viện kiểm sát tham gia trong vụ án dân sự.

Về người tiến hành tố tụng

  • Vụ án hình sự: Những người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự gồm có Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm Nhân dân, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên; Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra; Viện trưởng Viện Kiểm sát, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên.

  • Vụ án dân sự: Trong vụ án dân sự, thành phần người tiến hành tố tụng là Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm Nhân dân, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên; Viện trưởng Viện kiểm sát, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

Về nghĩa vụ chứng minh

  • Vụ án hình sự: Trong vụ án hình sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Bên cạnh đó, bị can có quyền (nhưng không có nghĩa vụ) chứng minh mình vô tội.

  • Vụ án dân sự: Trong vụ án dân sự, nghĩa vụ chứng minh là Nguyên đơn và Bị đơn.

Về quá trình tố tụng

  • Vụ án hình sự: Quá trình tố tụng trong vụ án hình sự chỉ được tiến hành khi nhận thấy dấu hiệu tội phạm, bao gồm các giai đoạn như điều tra, xác định và bắt giữ người phạm tội.

  • Vụ án dân sự: Vụ án dân sự xảy ra khi một trong hai bên quan hệ dân sự nộp đơn khởi kiện. Vụ án dân sự thường có quy trình đơn giản hơn, nếu Toà nhận thấy vụ việc đúng thẩm quyền sẽ tiến hành thụ lý và xét xử.

Về người tham gia tố tụng

Vụ án hình sự bao gồm nhiều đối tượng tham gia, bao gồm:

  • Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

  • Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

  • Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.

  • Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại.

  • Đương sự: Nguyên đơn dân sự; Bị đơn dân sự.

  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

  • Người làm chứng, người chứng kiến.

  • Người giám định.

  • Người định giá tài sản.

  • Người phiên dịch, người dịch thuật.

  • Người bào chữa.

  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố.

  • Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác.

Trong khi đó, vụ án dân sự có thành phần người tham gia đơn giản hơn, bao gồm:

  • Đương sự: Nguyên đơn; Bị đơn.

  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án dân sự.

  • Người yêu cầu giải quyết việc dân sự.

  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự.

  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

  • Người làm chứng.

  • Người giám định.

  • Người phiên dịch.

  • Người đại diện.

Các giai đoạn tố tụng

  • Vụ án hình sự: Các giai đoạn bao gồm điều tra, truy tố, xét xử. Nếu có kháng cáo, Toà án có thẩm quyền sẽ triển khai phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

  • Vụ án dân sự: Vụ án dân sự thường chỉ đi qua giai đoạn khởi kiện, nộp hồ sơ tố tụng, xét xử và phán quyết. Nếu có kháng cáo, Toà án có thẩm quyền sẽ triển khai phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

Về thời hiệu

  • Vụ án hình sự: Trong vụ án hình sự, thời hiệu truy cứ trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Đối với tội phạm ít nghiêm trọng, thời hiệu là 05 năm, tội phạm nghiêm trọng là 10 năm, tội phạm rất nghiêm trọng là 15 năm, và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đòi hỏi 20 năm để tiến hành xử lý.

  • Vụ án dân sự: Vụ án dân sự có thời hiệu khác nhau tùy theo loại vụ án. Ví dụ, trong trường hợp giao dịch dân sự, thời hiệu để yêu cầu Tòa án giải quyết là 02 năm. Đối với tranh chấp hợp đồng và bồi thường thiệt hại, thời hiệu là 03 năm. Khi liên quan đến việc chia di sản, thời hiệu là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản. Xác nhận quyền thừa kế của người yêu cầu hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác đòi hỏi 10 năm để giải quyết. Cuối cùng, thời hiệu để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm.

Các biện pháp tố tụng

1. Vụ án hình sự:

Trong vụ án hình sự, các biện pháp tố tụng thường tập trung vào việc ngăn chặn và kiểm soát những người và tài sản có liên quan đến vụ án. Các biện pháp này bao gồm:

  • Giữ người trong trường hợp khẩn cấp

  • Bắt, tạm giữ, tạm giam

  • Bảo lãnh

  • Các biện pháp cưỡng chế, bao gồm: áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và tài sản để đảm bảo thi hành án.

2. Vụ án dân sự:

Trong vụ án dân sự, các biện pháp tố tụng tập trung vào việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia vào tranh chấp. Các biện pháp này bao gồm:

  • Áp dụng các biện pháp pháp khẩn cấp tạm thời

  • Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng

  • Kê biên tài sản đang tranh chấp

  • Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp

  • Các biện pháp khác như phong tỏa tài khoản và tài sản.

Thay đổi quyết định truy tố, yêu cầu

  • Vụ án hình sự: kiểm sát viên có thẩm quyền rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn. Điều này có nghĩa rằng trong quá trình xem xét tài liệu và chứng cứ, kiểm sát viên có khả năng xác định rằng sự kết tội ban đầu có thể là quá nặng hoặc không đủ căn cứ để tiến hành truy tố. Do đó, họ có thể quyết định điều chỉnh quyết định truy tố để phản ánh chính xác hơn tội danh của bị can.

  • Vụ án dân sự: Trong vụ án dân sự, nguyên đơn có quyền tự nguyện rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của họ nếu có nhu cầu.

Hậu quả pháp lý

  • Vụ án hình sự: Tòa án có quyền buộc bị cáo phải chịu một loạt hình phạt, bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Hình phạt chính có thể là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, hoặc tử hình. Hình phạt bổ sung bao gồm cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, tịch thu tài sản, hoặc phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính), trục xuất (khi không áp dụng là hình phạt chính). Sau khi thi hành án, người bị kết án phải chịu án tích trong một thời hạn nhất định.

  • Vụ án dân sự: Bên thua kiện (bên bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm) bị yêu cầu thực hiện một trong các nghĩa vụ sau: chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, thực hiện nghĩa vụ, hoặc bồi thường thiệt hại cho bên thắng kiện. Hậu quả pháp lý trong vụ án dân sự thường liên quan đến việc chấm dứt hành vi xâm phạm hoặc bồi thường thiệt hại mà bên thua kiện đã gây ra.

Người có quyền kháng cáo

1. Vụ án hình sự: 

Trong vụ án hình sự, quyền kháng cáo được quy định rộng rãi và áp dụng cho nhiều người liên quan đến vụ án. Bất kỳ bị cáo nào, bị hại hoặc người đại diện của họ đều có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Ngoài ra, người bào chữa cũng có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà họ đang bào chữa. 

Quyền kháng cáo cũng được mở rộng cho nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện của họ, liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. Nếu có người có quyền lợi hoặc nghĩa vụ liên quan đến vụ án, họ cũng có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi hoặc nghĩa vụ của họ. 

Nếu có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, họ cũng có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người mà họ đang bảo vệ. Cuối cùng, người được Tòa án tuyên không có tội cũng có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.

2. Vụ án dân sự: 

Trong vụ án dân sự, quyền kháng cáo chủ yếu áp dụng cho bị đơn, người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã khởi kiện

Phạm vi xét xử phúc thẩm

  • Vụ án hình sự: Trong trường hợp vụ án hình sự, Tòa án cấp phúc thẩm thường xem xét toàn bộ bản án và quyết định bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Đối với một số nội dung án sơ thẩm không được các bên liên quan kháng cáo, Toà án vẫn có thể xem xét lại để quyết định xét xử lại nếu cần để đảm bảo đúng người đúng tội.

  • Vụ án dân sự: Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần cụ thể của bản án sơ thẩm và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm mà có kháng cáo hoặc kháng nghị.

Phạm vi giám đốc thẩm, tái thẩm

  • Vụ án hình sự: Hội đồng giám đốc thẩm và tái thẩm phải tiến hành xem xét toàn bộ bản án, không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị. 

  • Vụ án dân sự: Hội đồng xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm chỉ xem xét lại phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đã bị kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị. 

Thủ tục đặc biệt

  • Vụ án hình sự: Là quy trình tố tụng đặc biệt dành cho những đối tượng, chủ thể đặc biệt như: bị can, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi cũng như pháp nhân bị tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bị điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án

  • Vụ án dân sự: Không có thủ tục đặc biệt.

Án phí

  • Vụ án hình sự: bao gồm cả án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm hình sự. Ngoài ra còn có tiền tạm ứng án phí, bao gồm tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

  • Vụ án dân sự: Án phí trong vụ án dân sự chỉ bao gồm án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm dân sự

Khi nào án dân sự thành hình sự?

Một vụ án dân sự sẽ chuyển sang thành án hình sự nếu phát sinh dấu hiệu tội phạm trong tình tiết vụ án.

Ví dụ: Anh A có vay ngân hàng 30 triệu tín chấp từ tổ chức tài chính B. Tuy nhiên, anh A sau 2-3 kỳ trả nợ bắt đầu chậm trả và sau đó không trả được nợ. Công ty tài chính B khởi kiện dân sự lên toà án để yêu cầu thanh toán nợ và lãi. Tuy nhiên, sau 1 buổi hoà giải tại toà, anh A bỏ trốn tại địa phương. Nhận thấy có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vụ án được chuyển sang cơ quan điều tra để chuẩn bị truy tố hình sự.

Trên đây là toàn bộ giải đáp của Công ty Luật Dragon về 19 điểm khác biệt về vụ án dân sự và hình sự. Hy vọng rằng, với những thông tin chúng tôi chia sẻ, bạn đã có thêm được những kiến thức hữu ích trong quá trình tìm hiểu pháp luật của mình.

>>> Xem thêm: Chi phí thuê luật sư hình sự

Hỗ trợ trực tuyến

Luật sư Nguyễn Minh Long

Điện Thoại: 098.301.9109

Tổng đài tư vấn trực tuyến:1900.599.979

Địa chỉ văn phòng: Phòng 14.6, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: dragonlawfirm@gmail.com

DMCA Protect

DMCA.com Protection Status
zalo Phone