Giải quyết tranh chấp nội bộ công ty cổ phần như thế nào?
Cập nhập: 2/16/2024 4:52:00 PM - Công ty luật Dragon
“Chào Luật sư, tôi là một cổ đông lớn của một doanh nghiệp. Tuy nhiên gần đây, ban lãnh đạo này ra hàng loạt quyết định áp đặt làm ảnh hưởng đến công ty, từ đó tác động rất lớn đến tài sản của tôi. Vì lý do đó, trong một năm vừa qua, tôi và công ty đã có tranh cãi rất nhiều trong những quyết sách của doanh nghiệp, Vậy Luật sư cho tôi hỏi, cách khởi kiện giải quyết tranh chấp nội bộ công ty cổ phần tại trọng tài và Toà án như thế nào?”
Công ty Luật Dragon xin giải đáp như sau:
Tranh chấp nội bộ công ty cổ phần là gì?
Khái niệm tranh chấp nội bộ công ty cổ phần
Tranh chấp nội bộ công ty cổ phần là sự xung đột, bất đồng các bên trong công ty cổ phần về các quyết sách và vấn đề liên quan đến doanh nghiệp như: quyền lợi cổ đông, chia tách, sáp nhập, tăng vốn, đầu tư, thay đổi mục tiêu kinh doanh, chuyển đổi mô hình công ty,... Cụ thể, căn cứ tại khoản 4 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp nội bộ công ty bao gồm những hình thức sau:
“Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.”
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp nội bộ công ty
Mỗi công ty cổ phần có những hoàn cảnh, đặc thù và vấn đề riêng, nhưng nhìn chung nguyên nhân dẫn đến tranh chấp nội bộ công ty phổ biến nhất là từ những lý do sau:
-
Không nắm rõ các quy định của pháp luật: Công ty thường không tuân thủ đúng các quy định pháp luật, tạo ra nguy cơ xung đột nội bộ không cần thiết. Chẳng hạn như, việc không gửi thông báo mời họp cho cổ đông có thể gây vô hiệu hóa mọi nghị quyết của Hội đồng quản trị, dẫn đến chia rẽ và xung đột trong doanh nghiệp.
-
Sự chủ quan từ nhà đầu tư: Nhiều nhà đầu tư rót vốn nhưng không kiểm tra kỹ báo cáo tài chính, sổ sách công ty khi thẩm định hoặc đầu tư dưa trên tin tưởng cảm quan. Điều này rất nguy hiểm trong đường dài khi không may kinh doanh thua lỗ, dẫn đến tranh chấp.
-
Mâu thuẫn với nghị quyết của doanh nghiệp: Trong các công ty đại chúng, các cổ đông lớn thường yếu thế hơn nhóm cổ đông nắm giữ cổ phần chủ chốt. Do đó, nếu hai nhóm này không thống nhất trong quá trình thảo luận các nghị quyết của doanh nghiệp mình, thậm chí có sự áp đặt từ nhóm chủ chốt thì xung đột rất dễ nổ ra.
Phương thức giải quyết tranh chấp nội bộ công ty cổ phần
Tranh chấp nội bộ công ty cổ phần là một vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi sự khéo léo, linh hoạt trong việc giải quyết để hài hoà lợi ích giữa các bên. Có 3 phương thức giải quyết tranh chấp nội bộ công ty cổ phần được áp dụng chủ yếu, đó là:
Thương lượng và hoà giải
Thương lượng và hoà giải là phương thức giải quyết tranh chấp nội bộ công ty cổ phần dựa trên sự tự nguyện, tôn trọng lợi ích của các bên trong công ty. Thương lượng và hoà giải có thể được tiến hành trực tiếp giữa các bên tranh chấp, hoặc thông qua sự can thiệp, giúp đỡ của một bên thứ ba trung gian độc lập có uy tín trong hoà giải tranh chấp, như: luật sư, trọng tài thương mại,...
Bằng trọng tài
Phương pháp giải quyết tranh chấp nội bộ công ty cổ phân bằng trọng tài thương mại, các bên trong tranh chấp cần phải đồng thuận trước đó rằng mọi tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua trọng tài theo khoản 1 điều 5 Luật Trọng tài thương mại: ”Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp”.
Các bên liên quan sẽ tự thống nhất lựa chọn một trung tâm trọng tài để hỗ trợ xử lý sự việc khi xảy ra tranh chấp. Căn cứ theo khoản 5 điều 4 Luật Trọng tài Thương mại 2010, phán quyết của trọng tài là chung thẩm, không được yêu cầu trọng tài xem xét lại. Trong trường hợp một trong các bên trong tranh chấp không đồng ý với phán quyết trọng tài, họ có thể khởi kiện tại Toà án.
Giải quyết bằng toà án
Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải hoặc trọng tài, một trong các bên có thể khởi kiện thông qua Toà Án. Vấn đề này được đề cập cụ thể tại Khoản 4 Điều 30 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015:
Điều 30. Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
4. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
Trên đây là toàn bộ giải đáp của Công ty Luật Dragon cho thắc mắc về các phương pháp giải quyết tranh chấp nội bộ công ty cổ phần phổ biến nhất hiện nay là gì? Hy vọng rằng, với những chia sẻ trong bài viết, bạn sẽ sớm có phương án giải quyết trong trường hợp của mình một cách hài hoà nhất.
Chúc bạn thành công !