Thẩm quyền của trọng tài thương mại Việt Nam và Quốc Tế
Cập nhập: 10/29/2023 3:45:17 PM - Công ty luật Dragon
“Em chào Luật sư! Hiện tại công ty em đang tranh chấp hợp đồng về nguyên liệu với nhà cung ứng và có thoả thuận giải quyết tại Trọng tài Thương mại. Luật sư có thể giải đáp giúp em Thẩm quyền của trọng tài thương mại có những gì không ạ?” - Anh Minh - Cán bộ Logistics công ty S (Hà Nội).
Chào anh Minh, với thắc mắc của anh, Luật sư Nguyễn Minh Long tại Công ty Luật Dragon có những giải đáp như sau:
Thẩm quyền của trọng tài thương mại Việt Nam
Thẩm quyền của trọng tài thương mại Việt Nam được quy định và điều chỉnh bởi Khoản 1 Điều 5 Luật trọng tài thương mại 2010:
“Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.”
Theo đó, để thẩm quyền của trọng tài thương mại Việt Nam có hiệu lực, các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan đến tranh chấp đều phải tự nguyện có thoả thuận trọng tài, không có sự ép buộc. Khi có thoả thuận giải quyết trọng tài, nếu có khởi kiện tranh chấp của một trong hai bên tại Toà án thì Toà phải từ chối thụ lý và hướng dẫn quay trở lại giải quyết tại Trọng tài thương mại.
Nếu thoả các điều kiện trên, thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại Việt Nam bao gồm các trường hợp sau, theo quy định tại Điều 2 Luật trọng tài thương mại 2010:
“Điều 2. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài
1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.”
Trong trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thực hiện được, các bên trong tranh chấp thương mại có thể giải quyết tại Toà án.
>>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Thẩm quyền của trọng tài thương mại quốc tế
Tương tự như trọng tài thương mại Việt Nam, trọng tài thương mại quốc tế không có thẩm quyền đương nhiên mà chỉ có khi các bên trong tranh chấp thống nhất lựa chọn trước hoặc sau khi tranh chấp phát sinh. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Quy tắc Trọng tài UNCITRAL 2010:
"Hội đồng trọng tài có thẩm quyền quyết định về thẩm quyền của chính nó, bao gồm bất kỳ sự phản đối nào có liên quan tới sự tồn tại và hiệu lực của thỏa thuận trọng tài. Vì mục đích đó, một điều khoản trọng tài là một phần của hợp đồng sẽ độc lập với phần còn lại của hợp đồng. Một quyết định của hội đồng trọng tài cho rằng hợp đồng vô hiệu sẽ không tự động làm cho điều khoản trọng tài vô hiệu theo."
Bên cạnh đó, phạm vi giải quyết của trọng tài quốc tế UNCITRAL chỉ được áp dụng cho các tranh chấp từ hợp đồng. Ngược lại, nếu không có hợp đồng, toà trọng tài UNICITRAL sẽ không có thẩm quyền giải quyết. Chúng được quy định chi tiết tại khoản 1 điều 1 Quy tắc trọng tài UNCITRAL:
"Nếu các bên trong một hợp đồng đã thoả thuận bằng văn bản rằng tranh chấp có liên quan tới hợp đồng đó sẽ được giải quyết bởi trọng tài theo Quy tắc trọng tài UNCITRAL thì tranh chấp đó sẽ được giải quyết phù hợp với Quy tắc trọng tài này... ”.
>>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế
Các tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài thương mại
Căn cứ theo điều 2 và điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao, kể cả khi có thoả thuận trọng tài thương mại (TTTM), nếu rơi vào trong những trường hợp sau đây thì vụ việc sẽ thuộc thẩm quyền của Toà án - trọng tài thương mại sẽ không có thẩm quyền:
“Điều 2. Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Trọng tài, Tòa án theo quy định Luật TTTM
a) Có quyết định của Tòa án huỷ phán quyết trọng tài, hủy quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên;
b) Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài quy định tại khoản 1 Điều 43 các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 59 Luật TTTM;
c) Tranh chấp thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 4 Nghị quyết này.
…."
Điều 4. Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được quy định tại Điều 6 Luật TTTM
“Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được” quy định tại Điều 6 Luật TTTM là thỏa thuận trọng tài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.
2. Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.
3. Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.
4. Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.
5. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật TTTM nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.”
Trên đây, Luật sư Nguyễn Minh Long từ Công ty Luật Dragon đã giải đáp tới các bạn toàn bộ những thắc mắc về thẩm quyền của Trọng tài Thương mại Việt Nam/Quốc tế và những vấn đề liên quan. Nếu bạn/doanh nghiệp bạn đang trong tranh chấp tại Trọng tài Thương mại và cần tư vấn pháp lý trực tiếp với LS Long để đảm bảo quyền lợi của mình, hãy liên hệ trực tiếp Công ty Luật Dragon thông qua:
Hotline: 1900.599.979(Miễn phí) - 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/vanphongluatsudragon
Văn phòng Luật sư tại Hà Nội: Phòng 14.6, Tầng 14, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Văn phòng Luật sư tại Long Biên: số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Long Biên, Hà Nội.
Văn Phòng Luật Sư tại Hải Phòng: Số 102, lô 14 đường Lê Hồng Phong, quận Hải An, TP Hải Phòng.