Công ty luật Dragon
Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Công ty luật Dragon

[Chi tiết] Trình tự giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án

Cập nhập: 9/19/2022 9:17:23 AM - Công ty luật Dragon

Trong hoạt động kinh doanh thương mại, không tránh khỏi những mâu thuẫn về quyền và lợi ích giữa các bên. Khi xảy ra tranh chấp, các bên có thể lựa chọn giải quyết bằng Tòa án, một trong những phương thức giải quyết tranh chấp được pháp luật công nhận.  Bài viết này Luật Dragon sẽ giới thiệu tới bạn về khái niệm tranh chấp thương mại và A-Z trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án.

Cơ sở pháp lý 

Theo Điều 317 Luật Thương mại 2005, giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án là một trong các hình thức giải quyết tranh chấp được phép áp dụng khi các bên có thỏa thuận hoặc khi không có thỏa thuận về hình thức giải quyết tranh chấp khác. Thủ tục giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Tòa án được tiến hành theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

1. Tranh chấp thương mại là gì? 

Tranh chấp thương mại là sự xung đột trong hoạt động thương mại, buôn bán khi có sự tranh chấp về quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên liên quan. Các tranh chấp này có thể xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ như mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, cho thuê, cho thuê lại, vận chuyển hàng hóa, giao dịch trái phiếu, cổ phiếu, đầu tư,...  

Ngoài ra, các tranh chấp cũng có thể phát sinh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ giữa các cá nhân và tổ chức, với mục đích lợi nhuận. 

Tranh chấp thương mại thường xảy ra khi có hành vi vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật từ các bên tham gia, gây thiệt hại cho lợi ích của bên còn lại. Đây là những mâu thuẫn chủ yếu giữa các thương nhân.  

Trong một số trường hợp, cá nhân và tổ chức không phải thương mại cũng có thể là một trong các bên tranh chấp thương mại khi không có mục đích kinh doanh và lựa chọn áp dụng luật thương mại. 

Tựu chung lại, tranh chấp thương mại có thể xảy ra giữa các cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau hoặc với các cá nhân, tổ chức không có đăng ký kinh doanh. Tranh chấp thương mại cũng có thể xảy ra giữa các cá nhân, tổ chức trong nước hoặc có yếu tố nước ngoài (tranh chấp quốc tế). 

Giải quyết tranh chấp thương mại tại Toà án

Có 4 tranh chấp thương mại thường thấy

Dưới đây là một số ví dụ điển hình về tranh chấp thương mại: 

Tranh chấp về hợp đồng kinh doanh: Khi có sự vi phạm hợp đồng hoặc không tuân theo các điều khoản hợp đồng của một bên, gây thiệt hại cho bên kia. 

Tranh chấp về chứng khoán: Khi có sự sai sót, gian lận, lừa đảo, thao túng trong việc mua bán, chuyển nhượng, quản lý chứng khoán, gây thiệt hại cho nhà đầu tư hoặc các bên liên quan. 

Tranh chấp về sở hữu trí tuệ: Khi có sự xâm phạm, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của một bên, gây thiệt hại cho bên sở hữu hoặc có quyền liên quan. 

Tranh chấp về cạnh tranh: Khi có sự cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm các quy định về cạnh tranh của pháp luật, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng. 

2. Trình tự giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại Tòa án 

Để giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại Toà án, các bên cần thực hiện các bước sau: 

Bước 1: Nguyên đơn chuẩn bị hồ sơ và nộp đơn khởi kiện 

Người khởi kiện chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật và nộp mẫu Đơn khởi kiện theo quy định Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. 

Đơn khởi kiện cần đi kèm với các tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. 

Người khởi kiện có thể nộp trực tiếp tại Tòa án, gửi đến Tòa án qua thông qua dịch vụ bưu điện hoặc nộp Online qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án. 

Bước 2: Toà án tiếp nhận và xử lý đơn kiện 

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án, Chánh án phân công một Thẩm phán để xem xét đơn khởi kiện. 

Trong thời gian 05 ngày làm việc tính từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có các quyết định như yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; lựa chọn tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc thủ tục rút gọn; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án cấp khác có thẩm quyền nếu vụ án không thuộc thẩm quyền ở cấp hiện tại; hoặc trả lại đơn khởi kiện nếu cần bổ sung hồ sơ cần thiết. 

Bước 3: Nộp tạm ứng án phí 

Sau khi xem xét đơn khởi kiện và tài liệu yêu cầu giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án, nếu Thẩm phán xác định vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án, người khởi kiện sẽ được thông báo để đến Tòa án nộp tiền tạm ứng án phí (nếu có). 

Thẩm phán chỉ thụ lý vụ án khi người khởi kiện đã nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. 

Bước 4: Thụ lý vụ án 

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý, Thẩm phán thông báo bằng văn bản cho các đương sự, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cùng Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý vụ án. 

Bước 5: Hòa giải 

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm (thường từ 02 đến 04 tháng), Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự đạt được thỏa thuận về việc giải quyết vụ án. 

Nếu các đương sự đạt được thỏa thuận, Tòa án lập biên bản hòa giải. Sau 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến, Thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định công nhận sự thỏa thuận này có hiệu lực pháp luật ngay lập tức và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. 

Trường hợp hòa giải không thành công, thẩm phán sẽ đưa vụ việc ra giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án. 

Bước 6: Mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 

Trong thời hạn không quá 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án có trách nhiệm mở phiên tòa xét xử tranh chấp. Trường hợp có lý do chính đáng, thời hạn này có thể kéo dài đến 02 tháng. Tòa án sau đó sẽ ra Bản án giải quyết tranh chấp giữa các bên. Bên nào phản đối với quyết định của Toà có thể thực hiện thủ tục kháng cáo. 

Bước 7 (nếu có): Xét xử phúc thẩm, Giám đốc thẩm, Tái thẩm 

Các phiên tòa phúc thẩm, Giám đốc thẩm, Tái thẩm sẽ được mở nếu có kháng cáo và thời hạn mở phiên tòa này được quy định chi tiết tại Bộ luật dân sự 2015. 

3. Thời hạn giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án

Điều 203 và 205 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thời hạn khởi kiện giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án. Theo quy định này, thời gian giải quyết tranh chấp thương mại sẽ kéo dài từ 2 đến 4 tháng, tùy theo tính chất của sự việc.

Trong quá trình chuẩn bị mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải để hai bên đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, có những trường hợp vụ án không được phép hòa giải hoặc không thể tiến hành hòa giải, theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này. Ngoài ra, trong trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn, quá trình này không áp dụng.

Kể từ ngày Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử, trong thời hạn 1 tháng sẽ mở phiên tòa. Tuy nhiên, nếu có lý do chính đáng thì trong 2 tháng sau có thể mở phiên tòa.

Hi vọng rằng những thông tin liên quan đến thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án đã giúp quý vị hiểu thêm về quy trình này. Nếu quý vị còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc muốn được tư vấn thêm về việc giải quyết tranh chấp thương mại, xin đừng ngần ngại liên hệ với Công ty Luật Dragon. Chúng tôi sẽ sẵn lòng tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc của quý vị một cách đầy đủ.

Hotline: 1900.599.979(Miễn phí)

Email: dragonlawfirm@gmail.com

Facebook: https://www.facebook.com/vanphongluatsudragon

Văn phòng Luật sư tại Hà Nội: Phòng 14.6, Tầng 14, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Văn phòng Luật sư tại Long Biên: số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Long Biên, Hà Nội.

Văn Phòng Luật Sư tại Hải Phòng: Số 102, lô 14 đường Lê Hồng Phong, quận Hải An, TP Hải Phòng.

>>> Tham khảo: TOP các công ty luật uy tín tại Hải Phòng

Hỗ trợ trực tuyến

Luật sư Nguyễn Minh Long

Điện Thoại: 098.301.9109

Tổng đài tư vấn trực tuyến:1900.599.979

Địa chỉ văn phòng: Phòng 14.6, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: dragonlawfirm@gmail.com

DMCA Protect

DMCA.com Protection Status
zalo Phone