Công ty luật Dragon
Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Công ty luật Dragon

Trọng tài viên là gì? Quy định tiêu chuẩn của Trọng tài viên

Cập nhập: 10/29/2023 4:15:08 PM - Công ty luật Dragon

“Chào Luật sư, em là sinh viên năm nhất ngành Luật Thương mại và đang định hướng làm Trọng tài viên. Luật sư cho em hỏi để làm được nghề này cần đạt được quy định, tiêu chuẩn gì? Em cảm ơn Luật sư ạ.” - Khuê Phạm (TP. HCM)

Chào Khuê, trong bài viết này, Luật sư Nguyễn Minh Long từ Công ty Luật Dragon sẽ giải đáp chi tiết tới em A-Z về nghề Trọng tài viên là gì và các tiêu chuẩn, quy định của nghề nghiệp này. Hy vọng em sẽ đạt được ước mơ của mình! 

Trọng tài viên là gì?

Căn cứ theo Khoản 5 điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010, Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại này.

Quy định tiêu chuẩn của Trọng tài viên

Theo khoản 1 điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010, trọng tài viên phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự;

- Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên;

- Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.

Bên cạnh đó, một người dù đủ điều kiện đề cập ở trên, nếu mắc vào một trong các trường hợp sau đây tại khoản 2 điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì sẽ không được làm trọng tài viên:

- Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án;

- Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

Ngoài ra, theo khoản 3 điều 20 luật này, các trung tâm trọng tài có thể quy định thêm các tiêu chuẩn cao hơn đối với Trọng tài viên để đảm bảo chất lượng nhân sự và chuyên môn cho nhu cầu công việc đơn vị mình.

Theo luật quy định đã đề cập ở trên, có thể thấy rằng, pháp luật nước ta khá “mở” trong việc lựa chọn trọng tài viên trong việc phân định tranh chấp thương mại. Bất cứ ai, miễn là có trình độ chuyên môn cao, sự uy tín và đầy đủ năng lực dân sự thì đều có cơ hội làm trọng tài viên. 

Tuy nhiên, để đảm bảo tính chuyên môn và sự uy tín trong mắt các doanh nghiệp, các trung tâm trọng tài thường có những tiêu chuẩn tuyển dụng trọng tài viên cao hơn, nhiều tiêu chí hơn (chẳng hạn như: tốt nghiệp đại học luật, là luật sư,...) so với yêu cầu của Luật nhằm đảm bảo phân định những cuộc tranh chấp thật sự công bằng giữa các bên liên quan.

>>> Xem thêm: Thẩm quyền của trọng tài thương mại

Quy định về quyền và nghĩa vụ của trọng tài viên

Căn cứ tại điều 21 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, trọng tài viên cần thực hiện đầy đủ 7 quyền và nghĩa vụ dưới đây khi hành nghề: 

- Chấp nhận hoặc từ chối giải quyết tranh chấp. 

- Độc lập trong việc giải quyết tranh chấp. 

- Từ chối cung cấp các thông tin liên quan đến vụ tranh chấp. 

- Được hưởng thù lao. 

- Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 

- Bảo đảm giải quyết tranh chấp vô tư, nhanh chóng, kịp thời. 

- Tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. 

Bên cạnh quyền và nghĩa vụ, trọng tài viên cần phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc giải quyết tranh chấp giữa các bên theo Điều 4 Luật Trọng tài Thương mại khi hành nghề. Cụ thể như sau:

- Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.

- Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.

- Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

- Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Phán quyết trọng tài là chung thẩm.

Trọng tài viên có thể là người nước ngoài không?

Câu trả lời là Có. Hiện tại, theo luật Trọng tài thương mại 2010 không có điều nào quy định yêu cầu trọng tài viên phải có quốc tịch Việt Nam. Hơn nữa, theo quy định tại các điều 73, khoản 2 Điều 76, khoản 2 điều 78 tại luật này, việc tổ chức trọng tài nước ngoài được phép mở chi nhánh/văn phòng đại diện hoạt động tại Việt Nam và được tuyển dụng lao động trong và ngoài nước nếu hoạt động hợp pháp tại nước ngoài và tôn trọng hiến pháp và pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam. Chi tiết các quy định này như sau:

Điều 73. Điều kiện hoạt động của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam 

Tổ chức trọng tài nước ngoài đã được thành lập và đang hoạt động hợp pháp tại nước ngoài, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì được phép hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật này. 

… 

Điều 76. Quyền và nghĩa vụ của Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam 

… 

2. Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

… ​​

Điều 78. Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam 

… 

2. Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Văn phòng đại diện. 

… 

Trên đây là toàn bộ thông tin giải đáp từ Luật sư Nguyễn Minh Long từ Công ty Luật Dragon cho thắc mắc về nghề Trọng tài viên là gì và A-Z những thông tin liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn để các bạn trẻ có thể theo đuổi nghề này. Chúc các bạn thành công trong ước mơ của mình!

>>> Cập nhật: Giải quyết tranh chấp thương mại trực tuyến

Hỗ trợ trực tuyến

Luật sư Nguyễn Minh Long

Điện Thoại: 098.301.9109

Tổng đài tư vấn trực tuyến:1900.599.979

Địa chỉ văn phòng: Phòng 14.6, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: dragonlawfirm@gmail.com

DMCA Protect

DMCA.com Protection Status
zalo Phone