Cơ cấu lại nợ là gì? Mục đích của cơ cấu lại nợ
Cập nhập: 1/3/2024 9:20:11 AM - Công ty luật Dragon
Nếu đang gặp khó khăn trong việc thanh toán khoản vay, cá nhân/doanh nghiệp đang vay có thể xem xét việc xin ngân hàng/tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ. Đây là công cụ rất tốt giúp người vay giảm bớt áp lực tài chính và tránh rủi ro vỡ nợ. Trong bài viết này, Luật Dragon sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm cơ cấu lại nợ là gì, quy định và cách thực hiện thủ tục này A-Z.
Cơ cấu lại nợ là gì?
Khái niệm Cơ cấu lại nợ
Căn cứ tại khoản 10 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, cơ cấu lại thời hạn trả nợ là việc tổ chức tín dụng chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ như sau:
-
Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc tổ chức tín dụng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay của kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận (bao gồm cả trường hợp không thay đổi về số kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận), thời hạn cho vay không thay đổi;
-
Gia hạn nợ là việc tổ chức tín dụng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, vượt quá thời hạn cho vay đã thoả thuận.
Mục đích của cơ cấu lại nợ
Theo Điều 3 Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.
Có thể hiểu đơn giản rằng, việc cơ cấu lại nợ có mục đích giúp khách vay đang gặp khó khăn về tài chính, không thể trả được nợ ngay có thể giãn thời gian thanh toán hoặc kéo dài kỳ hạn vay để số tiền trả nợ mỗi kỳ được thấp hơn. Từ đó, giúp khách hàng giảm nhẹ gánh nặng tài chính cũng như có thời gian phục hồi khả năng trả nợ cho ngân hàng/bên cho vay.
>>> Xem thêm: Nợ quá hạn bao lâu thì bị khởi kiện?
Quy định về cơ cấu lại nợ
Hiện nay, việc xem xét việc cơ cấu lại nợ thuộc thẩm quyền của ngân hàng/tổ chức tín dụng cho vay. Cụ thể, căn cứ theo điều 4 Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, quy định của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại nợ của khách vay tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
Điều 4. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)) trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đáp ứng các quy định sau đây:
1. Dư nợ gốc phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
2. Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.
3. Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.
4. Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận.
5. Khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.
6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.
7. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
8. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.
Tái cấu trúc tài chính là gì?
Tái cấu trúc tài chính là quá trình cân đối kế hoạch tài chính của doanh nghiệp khi gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản vay. Quá trình này bao gồm việc giảm thiểu chi phí (nhân sự, cắt bớt khoản đầu tư không cần thiết,...) và tăng thu (bán lại, rao bán cổ phần, huy động vốn,...). Đồng thời, đàm phán với ngân hàng, các chủ nợ thực hiện các biện pháp: giãn hạn trả nợ, kéo dài kỳ hạn khoản vay, giảm lãi,... để doanh nghiệp khôi phục khả năng thanh khoản.
Thủ tục để cơ cấu lại nợ
Căn cứ theo Điều 19 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tổ chức tín dụng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, như sau:
-
Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi.
-
Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
-
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.
Trên đây là toàn bộ giải đáp của Luật Dragon về thủ tục cơ cấu nợ là gì và những quy định pháp lý, hướng dẫn thực hiện thủ tục này A-Z. Cơ cấu nợ là công cụ rất tốt giúp các tổ chức/cá nhân giảm bớt gánh nặng tài chính khi gặp khó khăn khi trả nợ. Tuy nhiên, sau khi được cơ cấu nợ, cá nhân/doanh nghiệp cần phải cháp hành trả nợ đủ và đúng thời hạn mới để đảm bảo không phát sinh phí phạt và rủi ro ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng của mình. Chúc bạn thành công !
>>> Xem thêm: Chi phí thuê luật sư đòi nợ mới nhất