Công ty luật Dragon
Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Công ty luật Dragon

[Giải đáp] Thế nào là vi phạm luật hôn nhân gia đình?

Cập nhập: 11/7/2023 9:47:51 AM - Công ty luật Dragon

Vi phạm luật hôn nhân gia đình là vấn nạn nóng trong xã hội hiện nay và được nhiều báo đài đưa tin. Trên thực tế, loại vi phạm này không chỉ có mỗi bạo lực gia đình, chúng còn bao hàm nhiều hành vi khác như: tài sản, tảo hôn, lợi dụng kết hôn để lấy quốc tịch, loạn luân...

Vậy, các hành vi thế nào là vi phạm luật hôn nhân gia đình và mức xử phạt ra sao? Hãy cùng Công ty Luật Dragon tìm hiểu trong bài viết này.

1. Thế nào là vi phạm luật hôn nhân gia đình?

Vi phạm luật hôn nhân gia đình là các hành vi vi phạm quan hệ gia đình và hôn nhân, gây ra những hậu quả ảnh hưởng đến mối quan hệ bình thường của vợ chồng. Mặc dù không có một định nghĩa cụ thể cho việc này, Chương III Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của vợ/chồng sau khi quan hệ hôn nhân được pháp luật công nhận, bao gồm:

1. Quyền và nghĩa vụ về nhân thân:

  • Điều 17. Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng

  • Điều 18. Bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng

  • Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng

  • Điều 20. Lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng

  • Điều 21. Tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng

  • Điều 22. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng

  • Điều 23. Quyền, nghĩa vụ về học tập, làm việc, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội

 2. Quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng:

  • Điều 28. Áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng

  • Điều 29. Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng

  • Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

  • Điều 31. Giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng

  • Điều 32. Giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng

  • Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

  • Điều 34. Đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung

  • Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung

  • Điều 36. Tài sản chung được đưa vào kinh doanh

  • Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

  • Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

  • Điều 39. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

  • Điều 40. Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

  • Điều 41. Chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

  • Điều 42. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu

  • Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

  • Điều 44. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng

  • Điều 45. Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng

  • Điều 46. Nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung

  • Điều 47. Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng

  • Điều 48. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

  • Điều 49. Sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

  • Điều 50. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu

2. Tổng hợp hành vi vi phạm luật hôn nhân gia đình

Căn cứ vào khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, dưới đây là 9 hành vi bị cấm trong hôn nhân gia đình:

  • Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

  • Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

  • Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

  • Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

  • Yêu sách của cải trong kết hôn;

  • Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

  • Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

  • Bạo lực gia đình;

  • Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

3. Vi phạm Luật Hôn nhân gia đình phạt bao nhiêu?

Mức xử phạt cho các hành vi vi phạm luật hôn nhân gia đình phụ thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm. Mức xử phạt tiền cho các hành vi vi phạm luật hôn nhân gia đình dao động thường từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đối với hành vi mang tính chất hình sự, mức án tù cho các hành vi vi phạm luật hôn nhân gia đình dao động từ 6 tháng tù đến 20 năm tù. Cụ thể, căn cứ vào Nghị định số 82/2020/NĐ-CP; Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 - chúng tôi tổng hợp các hình thức xử phạtphổ biến trong lĩnh vực hôn nhân gia đình như sau:

  • Tổ chức kết hôn cho người chưa đủ tuổi kết hôn: Theo điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tuổi kết hôn của nam là từ 20 tuổi trở lên, của nữ là từ 18 tuổi trở lên. Nếu có người tổ chức kết hôn cho người chưa đủ tuổi kết hôn sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng - 3.000.000 đồng theo khoản 1 điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

  • Cố ý duy trì quan hệ hôn nhân do tảo hôn dù đã có quyết định buộc chấm dứt của Tòa án có thẩm quyền: Tảo hôn là hành vi kết hôn không tuân thủ các quy định của pháp luật về cấm kết hôn, cấm chung sống như vợ chồng hoặc không có sự tự nguyện của một hoặc cả hai bên. Theo điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quan hệ hôn nhân do tảo hôn không được công nhận và phải chấm dứt theo quyết định của Tòa án. Nếu có người cố ý duy trì quan hệ hôn nhân do tảo hôn dù đã có quyết định buộc chấm dứt của Tòa án có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo khoản 2 điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

  • Kết hôn hoặc chung sống với người khác khi biết họ đang có vợ hoặc có chồng: Đây là một trong những hành vi vi phạm nguyên tắc cơ bản của hôn nhân quy định tại khoản 1 điều 2 (chế độ một vợ một chống) của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Nếu có người kết hôn hoặc chung sống với người khác khi đang có vợ hoặc có chồng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP; ngoài ra, còn bị xử lý hình sự theo điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức án từ cải tạo không giam giữ, phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

  • Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ: Đây cũng là một hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng theo quy định tại khoản 1 điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Nếu có người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP; ngoài ra, còn bị xử lý hình sự theo điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức án từ cải tạo không giam giữ, phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

  • Hành vi kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời: Đây là một trong những những hành vi vi phạm các quy định về cấm kết hôn, cấm chung sống như vợ chồng theo khoản 2 điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Nếu có người kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo khoản 2 điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

  • Lợi dụng kết hôn để đạt được mục đích khác không liên quan đến xây dựng gia đình: Đây là một hành vi bị cấm tại khoản 2 điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Nếu có người lợi dụng kết hôn để đạt được mục đích khác không liên quan đến xây dựng gia đình, ví dụ như để xuất cảnh, nhập cảnh, nhập quốc tịch Việt Nam/nước ngoài… thì sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng tại điểm d, khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

  • Cưỡng ép, lừa dối kết hôn hoặc ly hôn: Đây là một hành vi xâm phạm đến sự tự nguyện của các bên trong quan hệ hôn nhân và bị cấm tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Ngoài ra, người cưỡng ép hoặc lừa dối kết hôn hoặc ly hôn còn bị xử lý hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo khoản 2 điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

  • Kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng với người từng là cha mẹ nuôi; cha dượng; mẹ kế; mẹ vợ; cha chồng: Đây là hành vi bị cấm trong khoản 2 điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Nếu có người thực hiện điều này, cơ quan nhà nước sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khoản 2 điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

  • Yêu sách của cải trong kết hôn: Theo khoản 1 Điều 59 nghị định 82/2020/NĐ-CP, hành vi yêu sách của cải trong kết hôn sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

  • Bạo lực gia đình: Các hình thức bạo hành như: đánh đập, lăng mạ, kỳ thị, ngược đãi, phân biệt đối xử, xâm hại danh dự, nhân phẩm,... trong gia đình sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 - 30.000.000 đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội ngược đãi với hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm tuỳ theo hành vi và mức độ vi phạm. Ngoài ra nếu hành vi bạo lực gia đình đủ căn cứ để cấu thành tội khác như “Cố ý gây thương tích”, “Giết người” thì người vi phạm sẽ bị xử lý tuỳ vào hậu quả mình gây ra.

  • Thực hiện biện pháp sinh con bằng mục đích thương mại, mang thai hộ có tính thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính: Xử phạt từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng theo quy định tại điều 60 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

  • Tội loạn luân: Theo Điều 141-145 Bộ luật Hình sự 2015, hiếp dâm mang tính chất loạn luân sẽ bị xử phạt từ 7 đến 20 năm tù. Đối với tội cưỡng dâm mang tính loạn luân, hình phạt sẽ từ 3-15 năm tù. Còn với hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác có dấu hiệu loạn luân, mức xử phạt sẽ từ 3 năm đến 10 năm tù.

Bên cạnh hình phạt chính, tuỳ theo loại và mức độ vi phạm, người vi phạm luật hôn nhân gia đình còn có thể bị buộc thi hành các hình phạt bổ sung như: bồi thường thiệt hại cho người bị hại, bị tước quyền nuôi con, bị cưỡng chế thực hiện các nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của theo quyết định của Tòa án.

Vi phạm luật hôn nhân gia đình là một trong những vấn nạn đang nóng trong xã hội hiện nay mà bất cứ gia đình nào cũng nên tránh xa để đảm bảo tổ ấm của mình luôn hạnh phúc. Hy vọng rằng, với giải đáp của Luật Dragon về “Thế nào là vi phạm luật hôn nhân gia đình?” và những thông tin liên quan đã giúp bạn có được những kiến thức pháp luật cần thiết để ứng dụng trong trường hợp của mình.

Nếu cần tư vấn pháp luật trực tiếp với các Luật sư giàu kinh nghiệm về Hôn nhân và gia đình, bạn hãy liên hệ trực tiếp với Luật Dragon qua:

Hotline: 1900.599.979(Miễn phí) - 098.301.9109

Email: dragonlawfirm@gmail.com

Facebook: https://www.facebook.com/vanphongluatsudragon

Văn phòng Luật sư tại Hà Nội: Phòng 14.6, Tầng 14, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Văn phòng Luật sư tại Long Biên: số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Long Biên, Hà Nội.

Văn Phòng Luật Sư tại Hải Phòng: Số 102, lô 14 đường Lê Hồng Phong, quận Hải An, TP Hải Phòng.

Hỗ trợ trực tuyến

Luật sư Nguyễn Minh Long

Điện Thoại: 098.301.9109

Tổng đài tư vấn trực tuyến:1900.599.979

Địa chỉ văn phòng: Phòng 14.6, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: dragonlawfirm@gmail.com

DMCA Protect

DMCA.com Protection Status
zalo Phone