Công ty luật Dragon
Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Công ty luật Dragon

[ĐẦY ĐỦ] Nội dung luật thừa kế đất đai của bố mẹ 2023

Cập nhập: 5/21/2023 11:18:07 PM - Công ty luật Dragon

Khi bố mẹ qua đời và để lại tài sản, theo luật, con cái có quyền được hưởng phần di sản này theo di chúc hoặc theo luật pháp. Di sản thừa kế bao gồm tiền bạc, tài sản có giá trị, giấy tờ và cả đất đai mà bố mẹ để lại. Trong đó, việc thừa kế đất có tính chất khá đặc biệt và phải tuân thủ chặt chẽ theo các quy định trong Bộ luật dân sự và luật đất đai.

Bài viết này sẽ giải đáp cho bạn những A-Z vấn đề liên quan đến luật thừa kế đất đai của bố mẹ một cách chi tiết và rõ ràng nhất.

1. Các hình thức thừa kế chính

Căn cứ theo điều 609 Bộ Luật dân sự 2015, có hai hình thức thừa kế chính là:

  • Thừa kế theo pháp luật

  • Thừa kế theo di chúc

Thừa kế theo pháp luật 

Thừa kế theo pháp luật là hình thức chia di sản thừa kế cho những người thân còn sống theo thứ tự ưu tiên khi không có di chúc, di chúc không hợp lệ hoặc người có tên trong di chúc không nhận/không thể nhận thừa kế. Cụ thể:

"Điều 649. Thừa kế theo pháp luật

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định."

Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau, căn cứ theo điều 650 Bộ luật Dân sự:

"...

  • Không có di chúc

  • Di chúc không hợp pháp

  • Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế

  • Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

"

Hàng thừa kế sẽ bao gồm những người có quan hệ huyết thống, hôn nhân và nuôi dưỡng sau với người để lại di sản. Việc phân chia tài sản thừa kế sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: "Người thuộc hàng thừa kế sau chỉ được hưởng tài sản khi không còn ai ở hàng thừa kế trước" và "Những người ở cùng hàng thừa kế sẽ nhận mức phân chia di sản bằng nhau". Cụ thể, theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:

"

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

"

Thừa kế theo di chúc

Đây là hình thức thừa kế theo ý nguyện của người để lại tài sản được ghi trong di chúc. Trong trường hợp này, người nhận thừa kế sẽ được xác định theo nội dung của di chúc. Quy định này được đề cập cụ thể trong Điều 624 Bộ luật Dân sự:

"Điều 624. Di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết."

2. Thừa kế kế vị

Quy định về thừa kế thế vị xảy ra khi con cái của người để lại thừa kế trước hoặc cùng thời điểm với người để lại tài sản. Trong trường hợp này, người cháu sẽ được hưởng phần tài sản đáng ra bố hoặc mẹ được hưởng nếu còn sống. Tương tự, nếu cháu cũng chết thì chắt sẽ nhận được phần tài sản này. (Điều 651 Bộ luật dân sự 2015)

3. Điều kiện đất thừa kế của bố mẹ cho con

Để có thể thừa kế được đất đai của bố mẹ cho con, cần phải thoả mãn các điều kiện sau:

- Đất được sử dụng ổn định, phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của người để lại tài sản.

- Đất không có tranh chấp

- Không bị kê biên, thu hồi,...

4. Lập di chúc như thế nào là đúng pháp luật?

Di chúc là ý nguyện của người để lại tài sản về việc phân chia tài sản cho người nhận thừa kế sau khi mình qua đời. Di chúc có thể lập dưới dạng văn bản hoặc di chúc miệng (Điều 627 Bộ luật dân sự 2015).

Di chúc văn bản

Đối với di chúc dưới dạng văn bản, bạn cần tuân theo các quy tắc thuộc Điều 631 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể như sau:

"

  • Ngày, tháng, năm lập di chúc;

  • Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

  • Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

  • Di sản để lại và nơi có di sản.

"

Ngoài những thông tin cơ bản trên, người lập di chúc có thêm một số thông tin khác như yêu cầu, điều kiện cho người được thừa kế khi nhận di sản. Di chúc cũng không được viết tắt, viết ký hiệu. Nếu di chúc có nhiều trang thì mỗi trang đều phải được ghi số thứ tự và ký tên hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. 

Nếu di chúc có tẩy xoá, sửa chữ thì người để lại di sản hoặc người làm chứng phải ký tên bên cạnh nơi tẩy xoá đó. 

Di chúc miệng

Di chúc miệng là một hình thức di chúc mà người lập di chúc đưa ra những ý muốn và chỉ định về việc phân chia tài sản sau khi họ qua đời do bị cái chết đe doạ, không thể làm di chúc bằng văn bản được. 

Tuy nhiên, nếu người để lại di sản vẫn còn sống, minh mẫn sau 3 tháng kể từ khi lập di chúc, bản di chúc miệng tự động bị huỷ bỏ.

Những quy định trên được căn cứ tại điều 629 Bộ luật Dân sự 2015:

"Điều 629. Di chúc miệng

1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ."

Các điều kiện khác để di chúc hợp pháp

Bên cạnh những quy định riêng của từng loại di chúc, để văn bản này có hiệu lực pháp lý, người lập di chúc cũng cần đảm bảo những điểm sau trong di chúc của mình:

(Căn cứ theo Điều 630 Bộ luật dân sự 2015)

"Điều 630. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng."

5. Thủ tục từ chối tài sản thừa kế

Trong một số trường hợp, người nhận thừa kế có quyền từ chối tài sản thừa kế nếu không muốn nhận hoặc không có khả năng nhận. Để từ chối tài sản thừa kế, cần phải làm các bước sau:

  • Viết văn bản từ chối tài sản thừa kế ghi rõ lý do và gửi cho Uỷ ban nhân dân nơi mở thừa kế trước thời điểm phân chia tài sản.

  • Thông báo cho các người khác có liên quan về việc từ chối tài sản thừa kế.

Quy định trên được đề cập cụ thể tại Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2015:

"Điều 620. Từ chối nhận di sản

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản."

6. Hồ sơ, trình tự thực hiện để cấp sang tên sổ đỏ đất do bố mẹ thừa kế để lại

Sau khi được xác nhận là người nhận thừa kế hợp lệ, bạn cần làm các thủ tục sau để cấp sang tên sổ đỏ cho mảnh đất được thừa kế:

Hồ sơ cấp, sang tên sổ đỏ mảnh đất được thừa kế

Để được cấp và sang tên sổ đỏ, bạn cần chuẩn bị các hồ sơ sau:

Căn cứ theo các quy định trong Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (sửa đổi bởi Thông tư 33/2017/TT-BTNMT)

Trường hợp 1: Hưởng di sản thừa kế theo di chúc

  • Di chúc hợp pháp.

  • Biên bản mở di chúc có người chứng kiến và xác nhận của UBND cấp xã địa phương nơi có mảnh đất.

  • Sổ đỏ bản gốc

  • Giấy tờ chứng minh việc được hưởng di sản thừa kế.

Trường hợp 2: Hưởng di sản thừa kế theo pháp luật

  • Bản án, quyết định của Tòa án.

  • Văn bản thỏa thuận của các người cùng được thừa kế kèm xác nhận của UBND cấp xã hoặc Phòng/Văn phòng công chứng về việc được hưởng thừa kế.

  • Sổ đỏ bản gốc

  • Giấy tờ chứng minh việc được hưởng di sản thừa kế.

Lưu ý:

  • Nếu bạn là người duy nhất thừa kế, bạn cần có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất và sở hữu các tài sản khác gắn liền với đất.

  • Trong trường hợp có nhiều người cùng thừa kế mà có người từ chối, bạn cần có văn bản từ chối hưởng quyền thừa kế.

  • Để hoàn tất quá trình cấp và sang tên sổ đỏ, bạn nên liên hệ với cơ quan quản lý địa chính hoặc phòng công chứng địa phương để được hướng dẫn chi tiết và thông tin cụ thể về yêu cầu hồ sơ tại địa phương của bạn.

7. Trình tự thực hiện cấp, sang tên sổ đỏ mảnh đất di sản thừa kế

Trình tự thực hiện cấp, sang tên sổ đỏ mảnh đất di sản thừa kế theo các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

  • Người sử dụng đất đến nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của UBND cấp tỉnh.

  • Trong trường hợp hưởng di sản thừa kế là một phần thửa đất, trước khi nộp hồ sơ, người sử dụng đất cần yêu cầu Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện đo đạc tách thửa cho phần diện tích được thừa kế.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

  • Trường hợp 1: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ sẽ thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh theo quy định trong thời gian tối đa là 03 ngày.

  • Trường hợp 2: Hồ sơ đầy đủ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, cùng với việc trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp.

Bước 3: Xử lý yêu cầu

  • Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất kiểm tra hồ sơ và thực hiện các công việc sau đây nếu hồ sơ đủ điều kiện:

  • Gửi thông tin địa chính tới cơ quan thuế để thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có).

  • Xác nhận nội dung biến động trong Giấy chứng nhận đã được cấp.

  • Nếu cần, lập hồ sơ và trình cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.

  • Sau khi mọi thông tin đã được khớp Cơ quan nhà nước sẽ thực hiện chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai.

  • Trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi UBND cấp xã để trao (nếu hồ sơ nộp tại cấp xã).

8. Thời gian giải quyết

Sau khi Cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận được đầy đủ hồ sơ cần thiết, thời gian giải quyết và hoàn thành thủ tục cấp, sang tên Sổ đỏ khi nhận thừa kế sẽ như sau - căn cứ theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP:

"

  • Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;

  • Thời gian 10 ngày không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

  • Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày.

  • Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết.

"

Trên đây là những thông tin cơ bản về luật thừa kế đất đai của bố mẹ mà bạn cần biết. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn pháp lý về vấn đề này, hãy liên hệ ngay tới các Luật sự giàu kinh nghiệm của Luật Dragon qua tại:

Công ty Luật Dragon – Hotline: 1900.599.979(Miễn phí)

Email: dragonlawfirm@gmail.com

Facebook: https://www.facebook.com/vanphongluatsudragon

Văn phòng Luật sư tại Hà Nội: Phòng 14.6, Tầng 14, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Văn phòng Luật sư tại Long Biên: số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Long Biên, Hà Nội.

Văn Phòng Luật Sư tại Hải Phòng: Số 102, lô 14 đường Lê Hồng Phong, quận Hải An, TP Hải Phòng.

>>> Xem thêm: Chi phí thuê luật sư giải quyết tranh chấp đất đai

Hỗ trợ trực tuyến

Luật sư Nguyễn Minh Long

Điện Thoại: 098.301.9109

Tổng đài tư vấn trực tuyến:1900.599.979

Địa chỉ văn phòng: Phòng 14.6, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: dragonlawfirm@gmail.com

DMCA Protect

DMCA.com Protection Status
zalo Phone