Vợ sinh mổ chồng được nghỉ mấy ngày theo quy định?
Cập nhập: 11/7/2023 10:24:42 AM - Công ty luật Dragon
“Em chào Luật sư, vợ em tháng sau dự sinh và do song thai nên phải đẻ mổ. Vậy luật sư cho em hỏi, em có được chế độ nghỉ chăm vợ không? Nếu có thì vợ sinh mổ thì chồng được nghỉ mấy ngày? Có trợ cấp gì không? Em cảm ơn Luật sư” - anh Nam (Lạng Sơn).
Luật sư Bùi Thị Mai: Chào anh Nam, chúc mừng anh sắp lên chức bố. Với câu hỏi trên, trường hợp của anh có thể nghỉ tới 14 ngày và nhận tiền chế độ thai sản nếu tham gia Bảo hiểm Xã hội. Chi tiết tôi sẽ giải đáp cho anh ngay trong bài viết dưới đây:
1. Vợ sinh mổ thì chồng được nghỉ mấy ngày?
Lao động nam đang trong quá trình tham gia Bảo hiểm Xã hội nếu vợ sinh mổ sẽ được hưởng chế độ nghỉ thai sản từ 7-14 ngày làm việc. Cụ thể, tại điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian người chồng được hưởng chế độ nghỉ khi vợ sinh con như sau:
-
05 ngày làm việc đối với sinh thường;
-
07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
-
Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
-
Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
2. Vợ sinh mổ chồng được hưởng chế độ gì?
Khi vợ sinh mổ, người chồng sẽ được nghỉ làm để chăm sóc vợ và con 7 ngày, tối đa 14 ngày. Những ngày nghỉ này sẽ không ảnh hưởng đến thu nhập, bởi vì người chồng sẽ được nhận tiền chế độ thai sản và có thể nhận thêm tiền trợ cấp 1 lần khi sinh con (nếu đủ điều kiện) từ Bảo hiểm xã hội.
Tiền chế độ thai sản
Tiền chế độ thai sản được tính theo công thức sau:
Tiền chế độ thai sản = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc : 24 ngày x 14 ngày
Để tính được mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc, bạn cần lấy tổng số tiền lương tháng đã đóng BHXH của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc, rồi chia cho 6. Nếu bạn chưa đóng BHXH đủ 06 tháng trước khi nghỉ việc, thì bạn chỉ cần lấy tổng số tiền lương tháng đã đóng BHXH và chia cho số tháng đã đóng.
Nếu bạn nghỉ chế độ ngay trong tháng đầu tiên tham gia BHXH, thì bạn sẽ được tính theo tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng đó.
Tiền trợ cấp một lần khi sinh con
Trong trường hợp vợ không đóng BHXH hoặc không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con, nhưng người chống đã đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi vợ sinh con, thì người chồng sẽ tiếp tục sẽ được hưởng tiền trợ cấp một lần khi sinh con.
Tiền trợ cấp này được tính bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con được sinh ra. Cụ thể:
Tiền trợ cấp một lần khi sinh con = 2 x 1.800.000 đồng = 3.600.000 đồng cho mỗi con.
>>> Xem thêm: Hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ thai sản dành cho chồng
3. Vợ sinh mổ chồng được nghỉ 7 ngày có tính chủ nhật không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, số ngày nghỉ việc của lao động nam khi vợ sinh mổ là số ngày làm việc. Điều này có nghĩa là không tính các ngày nghỉ hàng tuần (thường là thứ 7, chủ nhật tuỳ theo cơ quan) và các ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định của Nhà nước.
Ví dụ: Nếu người lao động nam làm việc tại công ty có ngày nghỉ hàng tuần là thứ 7, Chủ nhật bắt đầu hưởng chế độ thai sản từ ngày thứ hai (02/01/2023) để chăm sóc vợ sinh mổ thì số ngày nghỉ sẽ được tính như sau:
-
Ngày thứ hai (02/01/2023): Nghỉ việc, tính là 01 ngày nghỉ thai sản
-
Ngày thứ ba (03/01/2023): Nghỉ việc, tính là 01 ngày nghỉ thai sản
-
Ngày thứ tư (04/01/2023): Nghỉ việc, tính là 01 ngày nghỉ thai sản
-
Ngày thứ năm (05/01/2023): Nghỉ việc, tính là 01 ngày nghỉ thai sản
-
Ngày thứ sáu (06/01/2023): Nghỉ việc, tính là 01 ngày nghỉ thai sản
-
Ngày thứ bảy (07/01/2023): Nghỉ hàng tuần, không tính
-
Ngày chủ nhật (08/01/2023): Nghỉ hàng tuần, không tính
-
Ngày thứ hai (09/01/2023): Nghỉ việc, tính là 01 ngày nghỉ thai sản
-
Ngày thứ ba (10/01/2023): Nghỉ việc, tính là 01 ngày nghỉ thai sản.
Trên đây là toàn bộ giải đáp của Luật sư Bùi Thị Mai từ Công ty luật Dragon cho câu hỏi “Vợ sinh mổ chồng được nghỉ mấy ngày?” và những thắc mắc khác liên quan đến chế độ thai sản của người chồng được hưởng khi vợ sinh con. Hy vọng với những thông tin trên, bạn sẽ có được những kiến thức pháp luật cần thiết để hiểu được quyền lợi của mình trong trường hợp này. Chúc con bạn chào đời mạnh khoẻ và gia đình thật hạnh phúc!
>>> Xem thêm: [Giải đáp] Tiền dưỡng sức sau sinh bao lâu thì nhận được?