Chuyển đổi số quốc gia là gì? Mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia
Cập nhập: 1/2/2024 2:32:25 PM - Công ty luật Dragon
Chuyển đổi số Quốc gia không chỉ là một xu hướng mà còn là bước tiến quan trọng mà các quốc gia phải nắm bắt được để phát triển trong thời đại công nghệ. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang được diễn ra mạnh mẽ trong mọi khía cạnh cuộc sống, không chỉ Chính phủ điện tử mà còn số hoá cả nền kinh tế, dịch vụ xã hội. Vậy chuyển đổi số quốc gia là gì? Mục tiêu của Việt Nam trong chuyển đổi số quốc gia ra sao?
Cùng Luật Dragon tìm hiểu ngay sau đây.
Chuyển đổi số quốc gia là gì?
Việt Nam chọn ngày 10-10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số Quốc gia
Chuyển đổi số Quốc gia là việc tích hợp công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước. Không chỉ là việc xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số còn lan rộng đến cả phát triển của kinh tế số và xã hội số. Từ đó, hướng tới việc thay đổi cách thức hoạt động của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp một cách hiện đại hơn, hiệu suất hơn trong thời đại số
Chuyển đổi số Quốc gia là sự đổi mới trong quản lý và tổ chức của Chính phủ. Việc sử dụng công nghệ số giúp cải thiện hiệu suất làm việc, tăng cường sự minh bạch, đồng thời giúp tinh gọn bộ máy nhân lực của cơ quan Nhà nước trong phục vụ các thủ tục hành chính với công dân.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), ngày 22/4/2022, chính phủ đã ban hành quyết định 505 về Ngày chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, mỗi năm vào ngày 10/10 sẽ được ghi nhận là Ngày chuyển đổi số quốc gia.
Nhằm nâng cao quá trình chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn mới theo hướng dẫn của Đảng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 10 tháng 10 hàng năm làm Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày này mang ý nghĩa đặc biệt với hai chữ số 1 và 0, đại diện cho hệ thống số nhị phân - ngôn ngữ của công nghệ thông tin và công nghệ số. Nó liên kết với quá trình chuyển đổi số, là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về lối sống, công việc và phương pháp sản xuất dựa trên các công nghệ số.
>>> Xem thêm: Tội phạm sử dụng công nghệ cao là gì? Mức phạt như thế nào?
Mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia
Mục tiêu chuyển đổi số quốc gia
Căn cứ tại mục II Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như sau:
II. MỤC TIÊU CƠ BẢN
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản cụ thể như sau.
1. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025
a) Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động
- 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;
- 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
- 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ;
- 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội;
- 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý;
- Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
b) Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
- Kinh tế số chiếm 20% GDP;
- Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%;
- Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%;
- Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI);
- Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI);
- Việt Nam thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).
c) Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số
- Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã;
- Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh;
- Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%;
- Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).
2. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030
a) Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động
- 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;
- 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
- Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp;
- 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý;
- Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
b) Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
- Kinh tế số chiếm 30% GDP;
- Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%;
- Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%;
- Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI);
- Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI);
- Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).
c) Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số
- Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang;
- Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G;
- Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%;
- Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).
Vai trò của người lao động trong việc chuyển đổi số quốc gia
Người lao động là một trong những trọng tâm đóng vai trò quan trong trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, cụ thể:
-
Người lao động là lực lượng tạo ra, phân phối và trực tiếp sử dụng tri thức, đóng vai trò nòng cốt trong sự cạnh tranh và tăng trưởng bền vững trong nền kinh tế số.
-
Sự học hỏi, sáng tạo và thích ứng nhanh chóng của người lao động đóng góp vào phát triển sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh tế mới trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
-
Người lao động là lực lượng tham gia hoạt động xã hội, văn hóa và chính trị, được hưởng lợi trực tiếp từ các dịch vụ của Chính phủ điện tử, hợp tác với cơ quan nhà nước và người dân khác.
Để người lao động thực sự là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia, các cơ quan nhà nước cần có những chính sách cũng như biện pháp hỗ trợ phù hợp cho đối tượng này, chẳng hạn như:
-
Đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, đào tạo và nâng cao kỹ năng người lao động về công nghệ là yếu tố quan trọng để họ có thể thích ứng với môi trường làm việc mới trong thời đại số.
-
Tạo môi trường làm việc tích cực, khuyến khích sự sáng tạo để thúc đẩy động lực và sự sáng tạo của người lao động.
-
Bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người lao động, tôn trọng sự đóng góp của lực lượng này với sự phát triển cộng đồng, xã hội.
Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 như thế nào?
Năm 2023 đánh dấu sự tiếp tục cố gắng mạnh mẽ của Việt Nam trong việc chuyển đổi số quốc gia, với tâm điểm là quản lý và tận dụng hiệu quả “nguồn tài nguyên” dữ liệu số. Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 mang thông điệp "Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị", thể hiện cam kết của cả Đảng, Nhà nước, hệ thống doanh nghiệp, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.
Chúng ta đã chứng kiến sự tích cực trong việc kết nối và chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là thông qua hệ thống thông tin của Chính phủ được kết nối với 80 bộ, ngành và địa phương. Dữ liệu đã được chia sẻ hàng ngày, hàng tháng đã hỗ trợ đắc lực trong việc quản lý và chỉ đạo điều hành.
Một số doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu tại Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel đã tích cực tiên phong trong việc triển khai các hạ tầng dữ liệu như: Cơ sở dữ liệu quốc gia, xây dựng nền tảng số cho doanh nghiệp, hệ thống tài chính - thanh toán, các doanh nghiệp này đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế số của Việt Nam. Sự đổi mới và sáng tạo của họ là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của chuyển đổi số quốc gia.
Năm 2023 không chỉ là cơ hội để thể hiện sức mạnh kinh tế số mà còn là dịp để khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Việc thực hiện chương trình và nhiệm vụ chuyển đổi số một cách hiệu quả không chỉ mang lại lợi ích cho quốc gia và xã hội mà còn đánh thức tinh thần sáng tạo và đóng góp tích cực của cả cộng đồng. Năm 2023 là một hành trình quan trọng, sự đoàn kết - hợp tác của tất cả các thành phần trong xã hội là động lực mạnh mẽ để đưa Việt Nam vươn lên thành một quốc gia có năng lực số hóa đi ra toàn cầu.
Trên đây là toàn bộ giải đáp của Công ty Luật Dragon cho thắc mắc “Chuyển đổi số quốc gia là gì?” và những thông tin mới nhất liên quan đến chuyển đổi số tại Việt Nam ta. Hy vọng rằng, với những chia sẻ trong bài viết, bạn đã hiểu hơn về công cuộc số hoá của đất nước và lợi ích bản thân mình nhận được khi quá trình này diễn ra thành công. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
>>> Xem thêm: Quyền tài phán là gì? Quyền tài phán của quốc gia ven biển