Hút bóng cười có bị cấm tại Việt Nam không?
Cập nhập: 1/2/2024 2:18:46 PM - Công ty luật Dragon
Bóng cười hiện tại là một loại sản phẩm giải trí phổ biến của giới trẻ lại các bar, club giúp người sử dụng cảm thấy vui vẻ, hưng phấn. Tuy nhiên, đây là loại chất gây nghiện và có tác động ảnh hưởng tới cơ thể một cách “tàn khốc”. Vậy bóng cười là gì? Bóng cười có bị cấm ở không? Hút bóng cười có gây nghiện không? Hãy Luật Dragon cùng tìm hiểu A-Z trong bài viết này.
Bóng cười là gì?
Bóng cười: Nước mắt lăn dài sau “cuộc vui” ngắn
Bóng cười, hay còn được biết đến với tên gọi Funkyball, là những quả bóng bay được bơm đầy khí N2O. Loại khí này không màu, không mùi và không có hương vị, khiến cho người hít phải nó cảm thấy hưng phấn, vui vẻ đến mức có thể khiến họ cười nói mất kiểm soát, tạo ra trạng thái ảo giác, biến không gian xung quanh trở nên đầy sống động và rực rỡ. Tuy nhiên, việc lạm dụng bóng cười có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là tới hệ thần kinh và tim mạch.
Ban đầu, khí N2O được ứng dụng trong lĩnh vực y học, đặc biệt là trong các ca phẫu thuật, để giúp bệnh nhân giảm đau, giảm lo lắng và làm giảm căng thẳng. Hiện nay, việc sản xuất khí N2O chỉ được phép trong sử dụng trong mục đích công nghiệp và không được phép sử dụng cho con người, trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ trong quá trình hỗ trợ điều trị bệnh.
>>> Xem thêm: Không đủ tuổi lái xe trên 110cc phạt bao nhiêu?
Tác hại của việc sử dụng bóng cười
Bóng cười, khi sử dụng một cách không đúng cách hoặc quá mức, có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Dưới đây là một số ảnh hưởng điển hình nhất của loại khí này:
Ảnh hưởng đến hệ thần kinh
Khí N2O, chất gây mê chủ yếu trong bóng cười, khi hít vào cơ thể, có thể gây mất cảm giác và làm tê bì chân tay. Loại khí này khi xâm nhập vào hệ thần kinh sẽ còn khiến người sử dụng bị run rẩy, đi đứng loạng choạng.
Ngoài ra, có thể xảy ra tổn thương thần kinh từ não xuống tủy sống nếu lạm dụng quá mức khí N2O. Tuỷ sống bị ảnh hưởng có thể kéo theo những vấn đề về chức năng thần kinh, như co giật, liệt nửa người, mất khả năng vận động và để lại di chứng lâu dài đến sức khỏe.
Rối loạn giấc ngủ và trí nhớ cũng là những ảnh hưởng đáng kể đối với người sử dụng bóng cười thường xuyên. Khí N2O có thể làm gián đoạn quá trình điều chỉnh giấc ngủ, gây ra mất ngủ và thức giấc giữa đêm. Đồng thời, chất này còn gây ảnh hưởng đến chức năng não, làm giảm khả năng ghi nhớ và tập trung.
Tác động đến sức khỏe tim mạch
Lạm dụng bóng cười có thể tạo ra những tác động tiêu cực đối với tim mạch. Hạ huyết áp là một trong những vấn đề thường gặp khi lạm dụng bóng cười, dẫn đến: chóng mặt, hoa mắt, ngất xỉu và mệt mỏi cho người hút.
Thiếu oxy máu là một tình trạng có thể xuất hiện khi hít quá nhiều khí N2O, khiến thể tích khí oxy trong cơ thể bị giảm sút. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề như khó thở, ngực đau và buồn nôn, có thể dẫn đến suy tim và thậm chí là tử vong.
Một tác động đáng chú ý khác khi hít bóng cười là nguy cơ đột quỵ, đặc biệt khi sử dụng quá nhiều loại khí này. Đột quỵ là hiện tượng xảy ra khi mạch máu trong não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, tạo ra tổn thương nghiêm trọng cho não bộ, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng.
Ảnh hưởng đối với phụ nữ mang thai
Việc sử dụng bóng cười trong thai kỳ có thể tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, vỡ động mạch chủ, rối loạn nhịp tim và tăng nguy cơ tử vong đối với phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, loại khí này còn tác động tiêu cực đến sức khỏe của thai nhi, gây thiếu oxy cho trẻ và có thể dẫn đến các vấn đề phát triển não bộ, thậm chí là dị tật khi sinh. Trong giai đoạn cuối thai kỳ, sử dụng bóng cười có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như trẻ sinh non, nhẹ cân và kém phát triển cả về thể chất và trí tuệ.
Bóng cười có bị cấm ở Việt Nam không?
Dù có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ khi sử dụng nhưng chưa có quy định nào cấm việc hút bóng cười tại Việt Nam. Cụ thể, đối chiếu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 57/2022/NĐ-CP về danh mục các chất ma tuý và tiền chất thì bóng cười không thuộc danh mục này nên không bị cấm. Ngoài ra, đối chiếu thêm trong Bộ luật hình sự 2015 và Văn bản hợp nhất Bộ Luật Hình sự 2017 cũng không có đề cập đến bóng cười, do đó người hút bóng cười không phải là tội phạm.
Tuy nhiên, đối với sản xuất Nghị định 113/2017/NĐ-CP thì N2O là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công Thương, thuộc danh mục hạn chế kinh doanh. Do đó, nếu cá nhân/tổ chức sản xuất hoặc kinh doanh không được cấp phép hoặc sai phép thì sẽ bị xử phạt hành chính tuỳ theo mức độ vi phạm.
Hút bóng cười có gây nghiện không?
Hút bóng cười có gây nghiện
Câu trả lời là Có, bóng cười có thể gây nghiện về mặt tâm lý và thể chất cho người sử dụng. Bóng cười gây nghiện tâm lý bởi vì nó tạo ra cảm giác vui vẻ, hưng phấn, thoải mái, quên đi những lo âu, phiền muộn trong cuộc sống. Người sử dụng bóng cười sẽ muốn tái hiện lại cảm giác này nhiều lần, dẫn đến sử dụng thường xuyên và quá liều.
Bóng cười là một loại chất khí gây nghiện, khiến người cảm thấy vui vẻ, hưng phấn. Tuy nhiên, bóng cười cũng có nhiều tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người sử dụng. Hy vọng qua bài viết, Luật Dragon đã giúp các bạn hiểu được những điều cơ bản nhất về Bóng cười và các thắc mắc về quy định pháp luật của chất gây nghiện này như ”Bóng cười có bị cấm không?”. Tuy chưa bị cấm, nhưng mọi người nên tuyệt đối tránh xa hình thức giải trí này để đảm bảo sức khoẻ của bản thân mình.
>>> Xem thêm: Chở người không đội mũ bảo hiểm phạt bao nhiêu?
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!